Tăng cường hợp tác, chuyển giao các giống lúa OM

Từ năm 2010-2018, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện chuyển giao công nghệ các giống lúa mới với hình thức chuyển giao công nghệ sản xuất giống lúa và quyền sử dụng đặc biệt cho nhiều trung tâm giống, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… Qua đó, góp phần cùng các đơn vị đưa nhanh các giống lúa OM chất lượng đến tay nông dân để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất.

Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa để giới thiệu các giống lúa mới có năng suất, chất lượng vượt trội đến các địa phương, doanh nghiệp.

Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa để giới thiệu các giống lúa mới có năng suất, chất lượng vượt trội đến các địa phương, doanh nghiệp.

Đầu tháng 11, Viện Lúa ĐBSCL ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đặc biệt 2 giống lúa OM 426 và OM 448 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Cửu Long. Đây là 2 giống lúa thích nghi rộng với các vùng canh tác lúa ở khu vực ĐBSCL, có tiềm năng về năng suất lẫn chất lượng. Theo ông Lê Hữu Pháp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Cửu Long, cho biết: Trước khi ký kết hợp đồng với Viện Lúa ĐBSCL, công ty đã có quá trình đồng hành cùng Viện Lúa để kiểm tra tính thích nghi của 2 giống lúa này ở các vùng sinh thái khác nhau và đánh giá đây là 2 giống lúa có tiềm năng, có khả năng nhân rộng vào sản xuất. Do đó, khi được Viện Lúa ĐBSCL chuyển giao quyền sử dụng đặc biệt đối với 2 giống lúa OM 426 và OM 448, công ty sẽ bổ sung 2 giống lúa này vào bộ giống lúa kinh doanh của công ty. Đồng thời, tập trung phát triển thị trường, cung ứng giống lúa tại Nam bộ và tiến tới mở rộng ra cả nước.

Thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã chuyển nhượng quyền sở hữu giống lúa cho các công ty chuyên kinh doanh giống như: Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (giống lúa OM 8017, OM 5953), Công ty cổ phần Giống Cây trồng Thái Bình (giống lúa OM8017), Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (giống lúa OM5451, OM2514, OM2517, OMCS2000), Công ty cổ phần Giống Cây trồng Trung ương (giống lúa OM6976 cho Khu vực miền Trung và phía Bắc). Viện cũng chuyển giao quyền sử dụng độc quyền cho từng khu vực hoặc toàn quốc đối với một số đơn vị, như: Công ty Nông nghiệp Nhiệt đới, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống Thái Bình, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Giống Cây trồng Nha Hố, Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Bàn, Công ty Nông nghiệp nhiệt đới, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Công ty Giống Cây trồng Nông Việt Pháp…

Nhìn chung, việc áp dụng quyền sở hữu trí tuệ trong bảo hộ giống lúa tại Viện Lúa ĐBSCL được khuyến khích và hỗ trợ nhằm mục đích khai thác kết quả nghiên cứu, bảo đảm hài hòa lợi ích nhiều bên đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững của vùng. Qua đó giúp Viện Lúa tăng nguồn thu, phục vụ tái nghiên cứu, tái đầu tư cho đào tạo, đầu tư cho các trang thiết bị, phòng nghiên cứu, tăng thu nhập cho cán bộ nghiên cứu… góp phần từng bước đưa Viện chuyển hướng hoạt động theo cơ chế tự chủ. Khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, thương mại các giống lúa OM đã được chuyển nhượng quyền sở hữu giống lúa hay quyền sử dụng độc quyền cho từng khu vực hoặc toàn quốc, nông dân sẽ hưởng được lợi khi được tiếp cận các giống lúa có năng suất và chất lượng cao. Ông Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: Phần lớn các giống lúa Tập đoàn Lộc Trời đang kinh doanh là giống lúa OM đã được Viện Lúa ĐBSCL chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng độc quyền. Không riêng Tập đoàn Lộc Trời, nếu các công ty kinh doanh hạt giống cùng đóng tiền tác quyền cho Viện Lúa để khai thác giống lúa sẽ là sự khích lệ dành cho các nhà di truyền chọn giống.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhằm nâng cao tính tự giác, ý thức của các đơn vị sản xuất kinh doanh về việc thực thi tác quyền giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL sẽ duy trì ký kết hợp đồng thực thi tác quyền đối với các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất lúa giống từ trước đến nay. Đồng thời, xem xét ký kết hợp đồng thực thi tác quyền đối với các cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh giống lúa chưa ký kết với Viện. Theo đó, các cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh các giống lúa OM cần tuân thủ các điều kiện ràng buộc như: Hằng vụ hoặc hằng năm phải có kế hoạch sản xuất giống lúa OM được Viện bảo hộ và đang còn quản lý để được phép sản xuất và kiểm tra quá trình thực hiện. Các cá nhân, đơn vị sản xuất giống lúa OM do Viện chuyển giao phải đảm bảo việc kiểm định và kiểm nghiệm, cấp chứng nhận hợp quy. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc thực thi tác quyền giống lúa OM do Viện bảo hộ, không để tình trạng sản xuất kinh doanh giống lúa OM một cách tự do, không có sự quản lý của cơ quan tác giả giống lúa.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/tang-cuong-hop-tac-chuyen-giao-cac-giong-lua-om-a103908.html