Tăng cường hợp tác báo chí Việt Nam với Lào và Campuchia

Từ ngày 9 - 17/9, Đoàn nhà báo do ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báochí - Bộ Thông tin và Truyền thông làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Cộng hoàDân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào và Vương Quốc Campuchia.

Trao đổi với các đồng nghiệp Lào. Ảnh: PV

Tham gia đoàn có lãnh đạo các cơ quan báo chí: Tạp chí Người Làm Báo, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nghệ An, Báo Quảng Bình, Báo Công an TP. Hồ Chí Minh và cán bộ Cục Báo chí.

Vấn đề định hướng của báo chí

Trong chương trình thăm tại CHDCND Lào từ ngày 9 - 12/9, Đoàn nhà báo Việt Nam đã làm việc với Cục Báo chí - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào, Báo Paxaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đài Truyền hình Quốc gia Lào và một số cơ quan báo chí của đất nước “triệu voi”.

Các nhà báo Lào nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn nhà báo Việt Nam. Tại các buổi hội đàm, hai bên đã giới thiệu tình hình báo chí của mỗi nước, trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác quản lý báo chí và nghiệp vụ báo chí, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mà báo chí hai nước đang phải đối mặt trước những tác động không nhỏ của mạng xã hội trong môi trường truyền thông số hiện nay.

Ông Somsavath Phongsa, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, hiện Lào có 133 ấn phẩm báo và tạp chí, trong đó: 27 tờ báo in (11 báo ra hằng ngày). Cả nước có 60 đài PT-TH (23 đài phát thanh, 37 đài truyền hình) và hơn 1.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Cục Báo chí Lào thay mặt Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch quản lý, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan báo chí. Điều đáng lưu ý, giấy phép hoạt động báo chí ở Lào có thời hạn 1 năm. Ngoài ra, các cơ quan báo chí Lào sau khi được cấp phép hoạt động phải đi đăng ký kinh doanh tại Bộ Công Thương.

Làm việc tại Báo Pasason và Vientiane Times. Ảnh: PV

Làm việc tại Báo Paxaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ông Pouangchit Savatbounmg Tổng Biên tập cho biết, do sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, hiện nay số lượng phát hành của các tờ báo ở Lào cũng sụt giảm đáng kể, tuy nhiên, số lượng bán tại thị trường của Báo Paxaxon vẫn duy trì ở mức cao.

Hiện nay số lượng phát hành của Báo là 8.000 bản/kỳ, nhưng có tới 5.000 bản được bán tại các sạp báo. Lý giải về điều này, Tổng Biên tập Báo Paxaxon chia sẻ, do tờ báo đăng tải những thông tin chính thống, nên người dân luôn tìm mua để đọc. Đây là kênh tuyên truyền hiệu quả của báo Đảng ở Lào.

Đoàn trao đổi nghiệp vụ với Báo Rasmei Kampuchea Daily (Tia sáng) của Campuchia. Ảnh: PV

Đoàn nhà báo Việt Nam thông qua Cục Báo chí - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào, gửi 1 triệu kíp Lào tới nhân dân vùng bị thiên tai sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, CHDCND Lào. Ông PinPatthana Phanthamaly, Cục trưởng Cục Báo chí Lào đã cảm ơn tấm lòng và tình cảm của các thành viên trong đoàn công tác và hứa sẽ chuyển toàn bộ số tiền tới người dân vùng thiên tai trong thời gian sớm nhất.

Trong môi trường truyền thông xã hội, các đài phát thanh và truyền hình Lào cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với cách làm mới, ứng dụng một số công nghệ truyền thông hiện đại, Đài Truyền hình Quốc gia Lào từng bước vượt qua khó khăn và vẫn giữ được các nhóm công chúng truyền hình truyền thống.

Bà Viengthong Phimphachanh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Quốc gia Lào cho biết, thời gian qua, Đài đã sử dụng hiệu quả kênh truyền thông mạng xã hội Youtube để mở rộng các nhóm khán giả, gia tăng uy tín cũng như tỷ lệ người xem của Đài.

Với cách quảng bá thông tin trên mạng xã hội của Đài đã thu hút lượng lớn khán giả theo dõi, xem các bản tin, thời sự của Lào thông qua Youtube. Theo thống kê, hiện có khoảng 3 triệu người (gồm khán giả trong và ngoài nước) luôn truy cập Youtube để xem kênh truyền hình quốc gia Lào.

Trao đổi về nghiệp vụ báo chí, bà Viengthong Phimphachanh chia sẻ, sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu gây thiệt hại nghiêm trọng ở Lào vừa qua là một kinh nghiệm quý báu về nghiệp vụ của các nhà báo Lào.

Khi sự cố xảy ra, Đài chưa có thông tin chính thức nên chưa kịp đưa tin, tuy nhiên, ngay lập tức một số đài nước ngoài đã vào cuộc, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến sự cố này, thu hút sự quan tâm của dân chúng Lào, khiến hầu hết người dân Lào tìm kiếm các thông tin đó qua các kênh khác nhau, khiến số lượng người xem của Đài bịsụt giảm nghiêm trọng.

Sau đó, Đài đã cử phóng viên xuống hiện trường để đưa tin và làm các phóng sự, phản ánh sinh động những diễn biến mới nhất về sự cố này, cung cấp thông tin kịp thời, định hướng được dư luận xã hội. Điều quan trọng, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng, kịp thời, cung cấp thông tin một cách khách quan và chân thật mới phát huy đúng vai trò định hướng dư luận của báo chí, bà Viengthong Phimphachanh chia sẻ.

Các nhà báo đưa tin chuyến thăm của đoàn nhà báo Việt Nam. Ảnh: PV

Quản lý trong đa dạng

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Campuchia, Đoàn nhà báo Việt Nam đã đến chào xã giao Ngài Khieu Kanharith, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia, trao đổi nghiệp vụ tại một số cơ quan báo chí ở Thủ đô Phnom Penh, gặp mặt Liên đoàn Nhà báo Campuchia và làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin tỉnh Siem Reap.

Theo thống kê của Bộ Thông tin Campuchia, hiện nước này có 429 tờ báo (gồm 28 tờ báo do người nước quản lý); 17 đài truyền hình; 254 đài phát thanh. Mặc dù có tới hơn 400 cơ quan báo chí in, nhưng hiện nay hoạt động thực sự hiệu quả chỉ có 20 tờ báo, bởi sự tác động của truyền thông xã hội.

Về cơ bản, báo chí Campuchia chủ yếu là báo tư nhân, nhưng Chính phủ không cho phép người nước ngoài thành lập đài phát thanh và truyền hình, Bộ trưởng Khieu Kanharith chia sẻ.

Về sự phát triển báo in và tạp chí tại Campuchia, ông Teav Sarakmony, Tổng Biên tập Báo Tia Sáng (Rasmei Kampuchea Newspaper) cho biết, hầu hết các báo, tạp chí đều do các công ty tư nhân làm chủ. Tổng Biên tập quản lý nội dung, Ban Quản lý phụ trách công tác tài chính, nguồn thu chính của báo chí là quảng cáo. Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn từ các loại hình truyền thông khác như mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, nhưng các tờ báo in và tạp chí có thương hiệu ở Campuchia vẫn có “chỗ đứng” nhất định trong môi trường báo chí truyền thông của “xứ sở chùa tháp”.

Làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin tỉnh Siem Reap. Ảnh: PV

Vấn đề cấp giấy phép hoạt động báo chí và thẻ nhà báo thống nhất do Bộ Thông tin quản lý cấp phép. Tuy nhiên, Sở Thông tin các tỉnh được ủy quyền gia hạn giấy phép cho các cơ quan báo chí và thẻ nhà báo. Theo Luật Báo chí Campuchia, giấy phép và thẻ nhà báo chỉ có thời hạn 1 năm. Giám đốc Sở Thông tin tỉnh Siem Reap cho biết, Sở không xử phạt hành chính, nhưng có quyền thu hồi giấy phép nếu các cơ quan báo chí không thực hiện đúng như Luật Báo chí Campuchia quy định.

Các cơ quan báo chí Lào và Campuchia đều đánh giá cao sự ủng hộ về vật chất và kỹ thuật của một số cơ quan báo chí Việt Nam và hy vọng rằng, chuyến thăm của Đoàn nhà báo Việt Nam lần này tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác báo chí giữa Việt Nam với Lào và Campuchia./.

Thành Huy Long

>>> Đoàn nhà báo Việt Nam thăm và làm việc tại Lào

>>> Tăng cường hợp tác báo chí Việt Nam - Campuchia

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tang-cuong-hop-tac-bao-chi-viet-nam-voi-lao-va-campuchia-n10794.html