Tăng cường hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em

Là một trong những tỉnh được Bộ Công an lựa chọn thí điểm xây dựng phòng điều tra thân thiện (PÐTTT) với trẻ em, dù còn những khó khăn nhất định nhưng đến ngày 25-12-2020, Công an Bắc Kạn đã hoàn thiện, đưa phòng vào sử dụng. Chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, hiệu quả từ PÐTTT với trẻ em đã được khẳng định.

Là một trong những tỉnh được Bộ Công an lựa chọn thí điểm xây dựng phòng điều tra thân thiện (PÐTTT) với trẻ em, dù còn những khó khăn nhất định nhưng đến ngày 25-12-2020, Công an Bắc Kạn đã hoàn thiện, đưa phòng vào sử dụng. Chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, hiệu quả từ PÐTTT với trẻ em đã được khẳng định.

Chúng tôi tới Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an Bắc Kạn) và được các cán bộ của phòng giới thiệu thăm PÐTTT với trẻ em. Căn phòng được bố trí hài hòa, lắp máy điều hòa nhiệt độ, trải thảm để giữ nhiệt trong mùa đông. Phòng có mầu sơn tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, dễ chịu. Bên trong lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh, được kết nối với Trung tâm chỉ huy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Phòng còn trang bị tủ thuốc, hình nộm, tủ sách thiếu nhi, tủ đồ chơi, tranh ảnh.

Thượng tá Lưu Văn Vinh, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an Bắc Kạn cho biết), theo quy định, khi lấy lời khai, điều tra viên phải mặc trang phục ngành nhưng với các vụ án liên quan trẻ em họ có thể vận dụng linh hoạt để mặc thường phục, tạo cảm giác gần gũi. Việc có PÐTTT bảo đảm tính nhân văn; giúp điều tra viên hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý để khai báo và trao đổi thông tin. Ðây cũng là nơi lấy lời khai nạn nhân trong những vụ mua bán phụ nữ, trẻ em. Lời khai được bảo đảm an toàn, bí mật theo nguyên tắc bảo vệ tốt nhất cho nạn nhân, người chưa thành niên.

Phòng Cảnh sát Hình sự cũng cử các điều tra viên đi tập huấn về kỹ năng điều tra, làm việc với trẻ em (có người giám hộ). Nhiều đồng chí được tập huấn qua các bài giảng của các giáo sư tâm lý học nước ngoài do Bộ Công an tổ chức cho nên đã nâng cao trình độ nghiệp vụ, khi điều tra, làm việc với trẻ em đúng quy định, gần gũi, thân thiện với lứa tuổi nhỏ. Từ khi đưa PÐTTT vào sử dụng, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an Bắc Kạn) thực hiện điều tra, làm việc với trẻ em trong hai vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Theo các điều tra viên, tại PÐTTT, gặp các chiến sĩ mặc thường phục, không khí gần gũi, ấm áp, thân tình cho nên các em thoải mái về tâm lý, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời. Do vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã xác định và nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kịp thời xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội.

So với các tỉnh lân cận, số vụ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ở Bắc Kạn không lớn. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên ở Bắc Kạn lại khá nổi cộm. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ xâm hại tình dục trẻ nhỏ, tăng hai vụ so với năm 2019. Thượng tá Lưu Văn Vinh cho biết thêm, hầu hết các vụ xâm hại xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa do vậy rất khó khăn cho công tác điều tra. Chính vì vậy, tại PÐTTT, khi nắm được trẻ bị xâm hại là con em dân tộc nào thì đơn vị bố trí cán bộ điều tra dân tộc đó hoặc thông thạo tiếng dân tộc để làm việc với các em. Ðơn cử như vụ việc đối tượng Ðinh Thiện Chiều (SN 1993), trú tại xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn đã hiếp dâm một em gái 12 tuổi, dân tộc thiểu số ở huyện Ba Bể vào ngày 30-12-2020. Nhờ có điều tra viên thông thạo tiếng dân tộc cho nên khi làm việc tại PÐTTT, nạn nhân kịp thời cung cấp thông tin và Phòng Cảnh sát Hình sự nhanh chóng bắt được đối tượng. Phòng Cảnh sát Hình sự còn phối hợp với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí, vật chất cho các nạn nhân bị xâm hại.

Để bảo đảm tăng cường hệ thống điều tra thân thiện, tại Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020 - 2025, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện quy định và tiêu chuẩn về hoạt động điều tra thân thiện (ÐTTT) với trẻ em. Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong ÐTTT; thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong quá trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, xác minh ban đầu, điều tra và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Ðồng thời, tập huấn về công tác ÐTTT với trẻ em; nâng cao năng lực cho lực lượng công an các cấp và các ngành có liên quan về kỹ năng điều tra, lấy lời khai thân thiện với trẻ em. Ðào tạo, tập huấn cho cán bộ điều tra trực tiếp thực hiện công tác điều tra, xử lý các vụ việc có trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại và lực lượng công an cấp cơ sở. Xây dựng và nhân rộng mô hình ÐTTT với trẻ em và người chưa thành niên; các biểu mẫu thống kê, báo cáo về kết quả điều tra và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em; báo cáo kết quả hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại đối với trẻ em định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đặt mục tiêu, giai đoạn 2020 - 2025 có 80% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; toàn bộ học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi. Phấn đấu tất cả cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, nhất là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp; toàn bộ cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện người học bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục; tất cả cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; tất cả cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động ÐTTT với trẻ em.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tang-cuong-hoat-dong-dieu-tra-than-thien-voi-tre-em-632312/