Tăng cường hiệu quả quản lý nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô

Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của mô hình nhà chung cư cao tầng góp phần giải quyết tốt nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Còn nhiều vướng mắc trong quản lý, vận hành nhà chung cư

Là địa bàn có số lượng nhà chung cư tăng nhanh, quận Thanh Xuân đã có nhiều đề án, chương trình liên quan tới quản lý, vận hành nhà chung cư, nhưng công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình nhà ở này vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Các tranh chấp giữa ban quản trị với chủ đầu tư, cư dân với ban quản trị, nội bộ ban quản trị thường xuyên xảy ra, nhưng thiếu quy định, chế tài xử lý, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở. Ðiển hình là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân, nhưng các cơ quan chức năng khó can thiệp.

 Các nhà chung cư nằm san sát trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân).

Các nhà chung cư nằm san sát trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân).

Theo UBND TP Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có 2.598 nhà chung cư (chiếm 58% số lượng chung cư cả nước) với 13,5% dân số Thủ đô đang sinh sống ở chung cư. Trong đó, hiện 86 chung cư còn có các vấn đề tranh chấp (chiếm 3,3%). Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá: Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư được thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, công tác trên vẫn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, như: Việc quản lý, vận hành chưa được các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp chậm tổ chức so với quy định... Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Hệ thống các quy định pháp luật cần thiết liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư chưa đầy đủ; một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; một số ban quản trị còn để xảy ra vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì;… Đặc biệt, không ít cư dân khi đàm phán và ký hợp đồng mua căn hộ đã coi nhẹ các thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý vận hành, sử dụng chung cư nên gặp bất lợi về pháp lý khi tranh chấp xảy ra.

Siết chặt quản lý Nhà nước đối với nhà chung cư

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong: Để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội”. Qua đó, đề ra các giải pháp nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua nhà; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp ủy, chính quyền và các ngành trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư;…

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: "Thành phố chỉ đạo chỉ xem xét, phê duyệt đầu tư dự án các khu chung cư, nhà cao tầng khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện, công bố công khai, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân".

Ông Lê Văn Dục cũng cho hay, từ năm 2019, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý nhà chung cư trên địa bàn. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 30-5) và một năm (trước ngày 25-12) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Tại Hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Công tác quản lý chung cư không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp và nếu không có giải pháp xử lý sẽ dẫn tới nguy cơ mất ổn định về trật tự, an ninh. Theo đó, các cấp, ngành liên quan của thành phố thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với xem xét, xử lý các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân theo đúng quy định, nhất là vi phạm trật tự xây dựng và các điều kiện an toàn. Đối với những chủ đầu tư vi phạm trong thực hiện xây dựng, quản lý chung cư phải kiên quyết xử lý và không cấp chủ trương đầu tư các dự án khác. Các cấp, các ngành phải coi việc giải quyết những vấn đề tồn tại ở nhà chung cư là nhiệm vụ cấp bách để tập trung giải quyết; cần nâng cao tinh thần trách nhiệm xuyên suốt từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, xây dựng, giám sát đến khi đưa vào vận hành. “Không để tình trạng chủ đầu tư tạo ra sự đã rồi, sau đó phải chạy theo để xử lý”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-cuong-hieu-qua-quan-ly-nha-chung-cu-tren-dia-ban-thu-do-593014