Tăng cường hiệp đồng bảo vệ khu vực biên giới và vùng biển tiếp giáp

Với vị thế đặc biệt khi vừa có vùng biển giáp ranh với Đà Nẵng lại vừa có khu vực biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam, BĐBP Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp, hiệp đồng với BĐBP Quảng Nam, Đà Nẵng và vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cũng như đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý.

Các ngư dân gặp nạn trên biển được cán bộ, chiến sỹ BĐBP Đà Nẵng cứu và đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Trúc Hà

Các ngư dân gặp nạn trên biển được cán bộ, chiến sỹ BĐBP Đà Nẵng cứu và đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Trúc Hà

Có thể nói, vùng tiếp giáp luôn là địa bàn thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, việc ký kết quy chế phối hợp, hiệp đồng bảo vệ khu vực biên giới và vùng biển tiếp giáp là “lời giải” phù hợp cho bài toán vẫn còn nhiều vướng mắc này. Nhờ có quy chế phối hợp, công tác trao đổi thông tin được diễn ra thường xuyên, từ đó các đơn vị BĐBP quản lý vùng tiếp giáp giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc.

Điển hình: Ngày 3-12-2018, Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế nhận được tin báo có 2 đối tượng trộm cắp tài sản tại tỉnh Quảng Nam đang trên đường bỏ trốn, khi đến cầu Đồn Nhì, đèo Hải Vân thì bị ngã xe nên chạy xuống vực. Qua công tác trao đổi thông tin với đơn vị bạn, Đồn Biên phòng Lăng Cô tổ chức truy bắt và bàn giao lại cho lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam.

Gần đây nhất, khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 8-1-2019, xe khách mang biển kiểm soát 51B-229.30 do tài xế Trương Anh Minh (sinh năm 1971, quê ở Sóc Trăng) điều khiển chạy theo hướng Nam Bắc, khi đến km 898+200, bị lao xuống vực đoạn dốc đèo Bắc Hải Vân. Trên xe chở 21 giáo viên, sinh viên một trường cao đẳng ở Kiên Giang ra Thừa Thiên Huế thực tập. Vị trí xe gặp nạn nằm cách chân đèo Hải Vân theo hướng về huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) khoảng 2km.

Tại hiện trường, chiếc xe nằm dưới vực khá nông, cách mặt đường chỉ khoảng 20m. Đồn Biên phòng Lăng Cô đã làm tốt công tác trao đổi thông tin với Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP Đà Nẵng cùng các lực lượng chức năng để tham gia cứu nạn, bảo vệ tài sản cũng như đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Với ngư trường lớn, nhiều nguồn lợi thủy sản, khu vực biển Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng xuất hiện nhiều tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải nước ta đánh bắt trộm hải sản. Chỉ tính riêng trong năm 2018, BĐBP đã phát hiện 115 lượt tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, tranh lấn ngư trường. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng là những địa phương có số lượng lớn tàu đánh bắt hải sản ở khu vực miền Trung. Với ngư trường rộng lớn, lại có cảng thu mua hải sản lớn nên vùng biển này cũng thu hút nhiều tàu từ các nơi khác về khai thác, đánh bắt.

Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tình hình trật tự an toàn trên biển cũng diễn biến phức tạp. Năm 2018, nơi này đã xảy ra 131 vụ/94 phương tiện gặp nạn trên biển, làm chết 21 người, mất tích 5 người và bị thương 25 người, làm chìm 36 phương tiện, hỏng 45 phương tiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, phương tiện, nhưng lực lượng BĐBP luôn kịp thời có mặt giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân cứu nạn, cứu hộ. Để đạt kết quả tốt hơn trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ chủ quyền vùng biển, các đơn vị BĐBP Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng còn tích cực phối hợp với lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Cảnh sát biển.

Trong Hội nghị giao ban tổng kết công tác phối hợp, hiệp đồng bảo vệ khu vực biên giới, vùng biển tiếp giáp giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, các bên liên quan đã thẳng thắn trao đổi những mặt còn hạn chế để từ đó đưa ra các giải pháp nhanh chóng khắc phục.

Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cho rằng, lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân và BĐBP cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xua đuổi các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển, đánh bắt trộm hải sản. Bởi, tàu Hải quân thường xuyên có mặt trên biển, dễ cơ động hơn trong việc xua đuổi các tàu cá nước ngoài đánh bắt trong vùng biển Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế có cảng, nhưng khi gió lớn, tàu thuyền rất khó cập, ví như cảng Thuận An gió cấp 6-7, nếu lai dắt, sóng to đánh dễ lật thuyền; cảng Chân Mây tuy là cảng nước sâu nhưng chưa có chắn sóng nên gió to cũng không thể cập được. Bởi vậy, khi tàu của Thừa Thiên Huế bị nạn trên khu vực biển giáp ranh, rất cần hỗ trợ cứu nạn của Cảnh sát Biển, Hải quân cũng như BĐBP Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.

Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đánh giá cao vai trò của BĐBP trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Các tàu Hải quân thường gặp khó trong việc xác định vị trí và cách liên hệ với tàu bị nạn. Những lúc như vậy rất cần sự hỗ trợ của BĐBP các tỉnh, thành phố liên hệ với gia đình nạn nhân, thông qua hệ thống liên lạc bờ để xác định rõ vị trí tàu bị nạn, số lượng thuyền viên. Có như vậy, công tác tiếp cận tàu bị nạn để cứu hộ, cứu nạn mới tiết kiệm được thời gian và đạt kết quả tốt nhất.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-cuong-hiep-dong-bao-ve-khu-vuc-bien-gioi-va-vung-bien-tiep-giap/