Tăng cường hậu kiểm để hạn chế việc tuyển 'chui', tuyển 'lậu'

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2019, cả nước có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) với hơn 2,5 triệu nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển.

Với 489.637 chỉ tiêu/653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, nguồn tuyển đầu vào năm nay dự kiến sẽ tương đối dồi dào. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cho biết, để tăng cường chất lượng đầu ra, Bộ sẽ siết chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng, tăng cường hậu kiểm và “mạnh tay” hơn với các vi phạm.

Phát hiện nhiều vi phạm trong công tác tuyển sinh

Mặc dù thừa nhận công tác tuyển sinh ĐH-CĐ những năm gần đây tương đối ổn định, thuận lợi cho các trường (ngoại trừ một số trường ĐH-CĐ ngoài công lập vẫn còn khó khăn trong công tác tuyển sinh) nhưng ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra một số sai phạm, sai sót trong công tác tuyển sinh. Đơn cử như đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án.

“Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường ĐH do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao nhưng đội ngũ giảng viên lại không đúng năng lực thực tế. Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng. Những việc làm như trên đều là sai quy định”- ông Bằng nhấn mạnh.

Cũng theo Chánh Thanh tra Nguyễn Huu Bằng, ngoài việc kê khai không đúng danh sách giảng viên cơ hữu theo Đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ phê duyệt, một số trường ĐH công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành sức khỏe không đúng Quy chế tuyển sinh, công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển học bạ trước khi học sinh có kết quả xét tốt nghiệp THPT. Điều này đang khiến xã hội băn khoăn lo lắng về chất lượng nguồn tuyển ĐH.

Để nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc ban hành công văn yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh và thực hiện đúng cam kết trong đề án tuyển sinh đã được công bố, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra công tác tuyển sinh. Trong quá trình thanh tra, sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện sai phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh tự chủ như hiện nay.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.

Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, mạnh tay hơn với vi phạm

Thông tin thêm về chế tài xử lý vi phạm trong công tác tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên mà Bộ đã kiểm định, không trùng lặp khi có báo cáo chuẩn của các trường.

Bộ cũng đăng toàn bộ danh sách thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học các trường năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học và cả xã hội giám sát, đồng thời sẽ tăng cường hậu kiểm tại các trường.

“Việc đăng tải danh sách để thí sinh biết rõ mình có nằm trong danh sách của trường hay không, hay các trường tuyển "chui", tuyển "lậu". Nếu thí sinh đỗ mà không có tên trong danh sách thì có quyền khiếu nại”-bà Phụng nói.

Về chế tài xử lý cơ sở giáo dục ĐH nếu vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho biết: Trường đó sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh 5 năm tiếp theo. Cùng với đó, Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Đồng quan điểm trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Đích đến của các trường ĐH không phải tuyển sinh, cũng không phải quá trình đào tạo, điểm đến phải là sản phẩm đầu ra, là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỷ lệ sinh viên có việc làm.

“Tuyển sinh và quá trình là một chỉ số nhưng căn cơ nhất phải là các điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong đó, các điều kiện căn cốt nhất là chăm lo phát triển, hoàn thiện điều kiện đảm bảo chất lượng bên trong, thể hiện rất cụ thể là các điều kiện đảm bảo chất lượng trên một số nhóm vấn đề như cơ chế quản lý; đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ giảng dạy; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo; trách nhiệm với sinh viên để sao cho các em ra trường có việc làm.

Do vậy, các trường ĐH cần công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và phải chịu trách nhiệm trước xã hội với những thông tin công khai đó. Bộ GD&ĐT cũng sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn để kiểm soát chất lượng và xử lý nghiêm đối với các trường vi phạm”- ông Trinh chia sẻ.

Trung bình mỗi thí sinh đăng ký từ 3-4 nguyện vọng

Thống kê từ Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2019 là 489.637, tăng 7% so với năm 2018. Trong đó, xét bằng điểm thi THPT quốc gia là 341.840 chỉ tiêu, tương đương năm 2018. Chỉ tiêu bằng các phương thức khác là 147.979, tăng 36.000 so với năm 2018, trong đó chiếm tỷ trọng nhiều nhất là xét tuyển học bạ. Cả nước có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ với hơn 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký. Tính trung bình, mỗi thí sinh đăng ký khoảng 3-4 nguyện vọng. Mặc dù hơn 400 trường tuyển sinh theo 133 tổ hợp nhưng các tổ hợp truyền thống (5 tổ hợp) bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo với 90% nguyện vọng. Số thí sinh xét tuyển ở các tổ hợp ngoài truyền thống còn lại chỉ chiếm khoảng 10% nguyện vọng.

PV

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2019-tang-cuong-hau-kiem-de-han-che-viec-tuyen-chui-tuyen-lau-553953/