Tăng cường hậu kiểm chống tái vi phạm

Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã mở đợt cao điểm xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh trên nhiều tuyến phố trên địa bàn.

Có nhiều ý kiến cho rằng, với vị trí trung tâm của Thủ đô, nơi mà việc “bám” vỉa hè để kinh doanh buôn bán của người dân đã là chuyện thường ngày thì việc làm trên sẽ sớm rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long.

Là quận trung tâm của TP, thực trạng sử dụng vỉa hè trên địa bàn quận hiện nay ra sao, thưa ông?

- Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ hơn các quận, huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng đây lại là quận trung tâm TP Hà Nội nên thu hút một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm. Đồng thời trên địa bàn hiện có nhiều cơ quan Nhà nước, bệnh viện cấp T.Ư, đơn vị, trường học… nên nhu cầu trông giữ xe, sử dụng vỉa hè để làm dịch vụ rất cao. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, hệ thống hạ tầng giao thông trong tình trạng quá tải so với tốc độ phát triển dân số, và nhu cầu phát triển KT -XH khiến công tác quản lý trật tự đô thị gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 15/2, các lực lượng chức năng quận đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính đối với 237 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, do lợi nhuận của việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè rất lớn, nên nhiều trường dù đã bị xử phạt vẫn tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng để tái vi phạm.

Như ông đã nói, việc xử lý trật tự đô thị là việc làm thường xuyên và liên tục trong thời gian qua, vậy xin ông cho biết, đâu sẽ là “điểm nhấn” của kế hoạch này?

- Trước khi tổ chức đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đô thị, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu các đơn vị có chức năng lập danh sách các tụ điểm là “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Từ những danh sách có được, UBND quận đã xây dựng kế hoạch, khoán chỉ tiêu xóa từng tụ điểm nóng cho từng phường và các lực lượng có liên quan. Cùng với đó, UBND quận đã yêu cầu UBND các phường chỉ đạo các tổ công tác tự quản tại khu dân cư và các lực lượng chuyên trách giữ gìn trật tự đô thị thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các vi phạm. Đồng thời, UBND quận cũng xác định lấy tuyên truyền vận động là biện pháp ưu tiên thực hiện nhằm đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. Biện pháp, xử lý vi phạm hành chính chỉ là bước cuối cùng, biện pháp bất đắc dĩ đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Vậy, UBND quận có biện pháp gì để chống tình trạng tái lấn chiếm khi đợt ra quân cao điểm kết thúc?

- Như đã nói, để thực hiện có hiệu quả chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, nơi mà thói quen “bám” vỉa hè đã ăn vào máu của những người dân nơi phố cổ, UBND quận đã xác định lấy tuyên truyền làm biện pháp chủ yếu để thay đổi thói quen của người dân. Bởi, để thay đổi một thói quen xấu đã tồn tại từ nhiều năm nay thì không thể chỉ nhăm nhăm xử phạt là được.

Bên cạnh đó, sau khi tiến hành xử lý vi phạm trên các tuyến phố chính, những tuyến phố hướng tâm, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch này ở các tuyến đường xương cá để cải thiện bộ mặt đô thị quận, tránh tình trạng dẹp chỗ này phình chỗ khác. Tiếp đó, sau khi lập lại trật tự đô thị trên một tuyến đường nào đó, đoàn liên ngành sẽ bàn giao lại cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Và phường nào để xảy ra tình trạng tái vi phạm, tùy theo mức độ, UBND quận sẽ có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu của phường đó.

Xin cảm ơn ông!

Kiên quyết không để tái diễn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Ngày 28/2, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an có công điện gửi các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo một số nhiệm vụ nhằm bảo đảm trật tự, ATGT, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị. Công điện nêu rõ: Thời gian qua, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ và Bộ Công an về công tác bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng, giữ gìn trật tự đô thị, Công an các đơn vị, địa phương, nhất là các TP lớn đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trật tự công cộng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị… được các cấp chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ xe, tập kết nguyên vật liệu… còn diễn ra phức tạp, gây dư luận không tốt. Để đảm bảo trật tự, ATGT, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị, Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự ATGT, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm. Tập trung rà soát, kiểm tra xung quanh vỉa hè, lòng đường, phía trước trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi làm việc; các dự án, công trình đang xây dựng của cơ quan, đơn vị để chủ động có biện pháp giải quyết ngay những phần xây dựng, đặt vật dụng gây ảnh hưởng đến sự thông thoáng của vỉa hè cho người đi bộ, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự công cộng, trật tự ATGT… Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật, chấp hành Điều lệnh CAND của cán bộ, chiến sĩ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc bao che cho các hành vi vi phạm…

Phải làm thực chất, không làm theo phong trào

Ngày 28/2, tại buổi làm việc với quận Tây Hồ, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nói về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận Tây Hồ. Bí thư Thành ủy cho rằng, vấn đề vệ sinh môi trường, vỉa hè là việc phải làm thường xuyên, liên tục. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đừng nghĩ chỉ làm một hai ngày là xong, đừng làm phong trào, phải làm thường xuyên, gắn với văn hóa người dân, nếu chưa làm được là chưa thành công. “Đừng để người dân nghĩ mình làm phong trào, rồi sau đó người ta lại lấn chiếm vỉa hè…” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh và cho biết: "Sáng nay (ngày 28/2 – PV), sau khi trực tiếp khảo sát các tuyến đường của quận, tôi thấy rằng vẫn còn rác tại nhiều khu vực. Tôi đề nghị lãnh đạo các phường phải trực tiếp đi kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, đồng thời kiểm tra các vỉa hè, phân định rõ khu vực được và không được kinh doanh để dành vỉa hè cho người đi bộ. Quận Tây Hồ và các phường của quận đang xây dựng phường, quận đạt chuẩn văn minh đô thị, phải kiểm tra chéo giữa các phường và học hỏi lẫn nhau về cách làm.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn: Xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Thời gian qua, quận Đống Đa đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp nhằm lập lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn. Đây được coi là nhiệm vụ thường xuyên của các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND 21 phường trên địa bàn quận. Để có thể duy trì và đảm bảo được trật tự văn minh đô thị trên địa bàn, quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch về việc tổ chức đợt cao điểm về tuyên tuyền, xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Mục đích, giải quyết dứt điểm và không để phát sinh các vi phạm về trật tự đô thị. Cụ thể, sẽ tuyên truyền pháp luật về các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và chế tài xử phạt kèm theo. Tháo dỡ mái che, mái vẩy cũ hỏng gây mất mỹ quan đô thị… Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh và để xe sai quy định.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm: Quy rõ trách nhiệm lãnh đạo địa phương

Quận Ba Đình đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm lặp lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn. Quận ủy, HĐND và UBND quận đều đã có những chuyên đề cụ thể, giao xuống các địa phương, triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp như: tăng cường tuần tra, kiểm soát; tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân kết hợp với xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh.

Một trong những biện pháp quan trọng được đề ra là quy rõ trách nhiệm đối với Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an các phường trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Quận ủy, HĐND, UBND quận và trước Nhân dân. Kết quả giữ gìn trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá công tác cán bộ, xét tặng danh hiệu thi đua của từng địa phương. Quận Ba Đình với vị trí là quận nội đô lịch sử, có nhiều trụ sở, cơ quan quan trọng của cả nước và Thủ đô đóng trên địa bàn; do đó, công tác giữ gìn trật tự đô thị lại càng phải được siết chặt, thực thi hiệu quả để phấn đấu trở thành hình mẫu về văn minh đô thị cho các địa phương khác.

Nhóm PV KT&ĐT

Lê Nam (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tang-cuong-hau-kiem-chong-tai-vi-pham-281628.html