Tăng cường giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Quảng Nam) đã xây dựng sa bàn bản đồ Việt Nam ngay trên sân trường để giáo dục cho học sinh các kiến thức lịch sử và địa lý, chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Nếu ai đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thì sẽ thấy ngay sa bàn (mô hình) bản đồ Việt Nam được đặt trong khuôn viên nhà trường với mục đích nhằm tuyên truyền trực quan cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, giáo dục lòng yêu nước.

Sa bàn này có diện tích 120m2, thiết kế hình dáng đất nước và những mô phỏng về Biển Đông, các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, nhất là Trường Sa, Hoàng Sa để giúp các em có hành trang kiến thức về biển đảo quê hương.

Tranh thủ giờ giải lao, các cô giáo đưa học sinh ra khu vực sa bàn để giới thiệu thông tin về đất liền, đường biên giới, biển đảo Việt Nam.

Có thể nói nhờ hình thức tuyên truyền này đã giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức lịch sử, địa lý; khơi dậy trong mỗi học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, nhất là biển đảo.

Tăng cường giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh qua sa bàn biển đảo ngay trên sân trường.

Tăng cường giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh qua sa bàn biển đảo ngay trên sân trường.

Ngoài mô hình biển đảo, trường Trà Tập còn xây dựng mô hình đèn tín hiệu giao thông, đường một chiều, vòng xuyến, vỉa hè… giúp các em không những vun đắp tình yêu với tổ quốc, với biển đảo mà còn hiểu hơn tình hình giao thông thực tế để bảo vệ mình.

Theo thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập chia sẻ, những năm gần đây, mặc dù hạ tầng giao thông vùng cao này được đầu tư xây dựng đến từng thôn bản, song nhận thức về Luật Giao thông đường bộ của người dân vẫn còn hạn chế.

Đối với học sinh của trường, các em khó tiếp cận, nắm bắt được tình hình giao thông ở các khu vực thành thị. Vì vậy nhà trường đưa ra ý tưởng xây dựng một mô hình giao thông thực tế đặt trong sân trường để nâng cao hiểu biết cho học sinh.

Cuối năm 2019, từ nguồn xã hội hóa, nhà trường tiến hành xây dựng mô hình này, bao gồm hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đường một chiều, vòng xuyến, vỉa hè…

“Muốn giảm tai nạn giao thông thì phải giáo dục các em ngay từ khi còn nhỏ. Học sinh miền núi khó tiếp cận với tình hình giao thông thực tế, nên thông qua mô hình này sẽ giúp các em nắm vững hơn pháp luật về giao thông” - thầy Phương nói.

Khi làm mô hình, nhà trường gặp không ít khó khăn về nguồn vốn và thiết kế bản vẽ. Sau khi thực hiện bản vẽ bằng tay, nhà trường phải nhờ thiết kế bằng máy tính rồi tiến hành xây dựng theo mẫu. Các phần việc đều được giáo viên trong trường đồng hành, phối hợp với thợ xây, thợ cơ khí, thợ điện cùng làm. Sau hơn 3 tháng, mô hình cơ bản hoàn thành.

Với mô hình giao thông này, nhà trường bước đầu hướng dẫn học sinh đi lại đúng làn đường và theo tín hiệu đèn giao thông. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch giảng dạy kiến thức an toàn giao thông cho các em.

Một thực tế hiện nay là đa số học sinh phổ thông đều còn thiếu kiến thức về biển đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam. Với số lượng bài học về biển đảo còn hạn chế trong chương trình Địa lí chưa thể giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và hiểu biết cụ thể về các vấn đề biển đảo Việt Nam. Mặt khác, các bài học này chỉ nêu vài nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế xã hội ở vùng biển.

Mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh về tiềm năng biển, đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc là một trong những nội dung trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) năm học 2019-2020 mà Bộ GD&ĐT vừa gửi các sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN, các trung tâm giáo dục quốc phòn an ninh (GDQP-AN) sinh viên để khắc phục tình trạng trên.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường cập nhật kiến thức biển, đảo trong tài liệu vào bài giảng “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia” thuộc lớp 11; các nhà trường, trung tâm GDQP-AN sinh viên cập nhật kiến thức “Biển, đại dương và chủ quyền biển, đảo Việt Nam” vào bài giảng “Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia” trong giáo trình GDQP-AN, tập 1 trong SGK. Kết hợp mở rộng tài liệu tập huấn giáo dục, tuyên truyền trong chính khóa và ngoại khóa về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/bien-va-hai-dao/sang-tao-trong-giao-duc-tinh-yeu-bien-dao-cho-hoc-sinh-253269.html