Tăng cường giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho nữ sinh

GD kỹ năng sống cho HS nói chung và nữ sinh nói riêng là chương trình GD đặc biệt quan trọng ở hầu hết các cấp học. Trong đó, GD kỹ năng tự bảo vệ mình cho nữ sinh DTTS ở các trường học vùng cao từ tiểu học đến THPT là công việc cần đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay.

Những hiện thực đáng lo ngại

Trên thực tế hiện nay, ở các trường học vùng cao, số HS nữ người DTTS bị lạm dụng tình dục, bị kẻ xấu rủ rê, bị bọn buôn bán người đưa qua biên giới ngày càng tăng. Đối tượng nữ sinh thuộc những diện trên không hẳn là những HS cấp THCS, THPT mà cả HS cấp tiểu học, cũng bị lạm dụng và lợi dụng.

Điển hình, trong thời gian vừa qua, tại huyện Mường Khương (Lào Cai), vụ hơn 20 em HS tiểu học Trường Phổ thông bán trú Tiểu học La Pán Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) bị bảo vệ Đỗ Văn Nam dâm ô mặc dù các em vẫn ở độ tuổi rất nhỏ đã khiến cho những bậc làm cha, làm mẹ không khỏi băn khoăn về sự an toàn của con em mình khi đến trường học chữ.

Bên cạnh đó, đối tượng nữ sinh người dân tộc bỏ học giữa chừng do mang thai khi đang đi học ở nhiều trường học vùng cao cũng là nguyên nhân khiến cho sĩ số HS và chất lượng GD có nguy cơ giảm sút trong mỗi năm học.

Nhiều em do nhà ở xa, xuống núi học chữ, bị những kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc và bị dụ bán sang biên giới Trung Quốc cũng trở thành mối lo ngại của các trường học vùng cao hiện nay.

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng trên. Do đặc điểm tâm lí của nữ sinh người DTTS vốn nhút nhát, ít nói, ngại giao tiếp nên khi gặp một vấn đề nào đó liên quan đến sự an toàn của bản thân như bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, bị kẻ xấu rủ rê… các em rất ngại chia sẻ, tâm sự với bạn bè hay báo cáo với thầy cô.

Vì thế, sự việc các em bị lạm dụng hay bị lợi dụng có khi xảy ra nhiều lần rồi mà thầy cô và nhà trường không hay biết, thậm chí, khi sợ quá, các em cũng âm thầm bỏ học mà không dám nói rõ lí do vì sao.

Do hoàn cảnh sống xa nhà, ở trường nào có nhà bán trú, các em sẽ có chỗ ăn ở đầy đủ và an toàn nhưng nếu không có, các em phải thuê trọ ở những căn nhà nhỏ của người dân. Ở theo nhóm bạn, không người trông nom và bảo ban. Đây chính là yếu tố dẫn đến các em dễ bị lợi dụng…

Lợi dụng những đặc điểm trên, nhiều kẻ xấu, thậm chí cả những người làm việc trong trường như chú bảo vệ đã lạm dụng các em, lôi kéo các em khiến cho công việc học tập bị dang dở, tâm lí các em bị xung đột, đảo lộn. Hậu quả của những vụ việc trên không phải là nhỏ đối với các em nữ sinh người DTTS ở trường học vùng cao.

Các em cần được trang bị kiến thức tự bảo vệ mình

Từ những thực tế đau lòng đã diễn ra ở trường học vùng cao trong những năm qua, các nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa đến công tác GD kỹ năng sống cho nữ sinh, trong đó, kỹ năng tự bảo vệ mình cần được trang bị kỹ lưỡng hơn nữa.

Trước hết cần đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới, về GD giới tính, sức khỏe sinh sản cho nữ sinh. Cần giúp các em bước đầu nhận thức được những yếu tố về giới tính và sức khỏe sinh sản.

Tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa để giúp các em nhận thức được các tình huống có thể sẽ gặp phải trong quá trình học tập, cách tự bảo vệ mình mỗi khi gặp kẻ xấu và bị lạm dụng. Từ đó, mỗi em sẽ hình thành cho mình kỹ năng tự bảo vệ mình khi sự việc xảy ra.

Thầy cô giáo phụ trách khu bán trú, giáo viên chủ nhiệm lớp cần gần gũi, chia sẻ, tâm sự thường xuyên với các em hằng ngày để lắng nghe được những tâm sự thầm kín, khó nói của các em, kịp thời phát hiện ra sự việc khi các em gặp phải để có biện pháp tháo gỡ.

Cần xây dựng “mạng lưới” HS tự bảo vệ nhau trong lớp, trong khu bán trú. Giáo viên cần bí mật chọn cử những HS bạo dạn, nhanh nhẹn để làm “mật thám” theo dõi những hành vi, cử chỉ khác thường của nữ sinh, đồng thời thường xuyên tâm sự và lắng nghe tâm sự của các bạn, kịp thời phát hiện sự việc và báo cáo với thầy cô giáo chủ nhiệm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-cuong-giao-duc-ky-nang-tu-bao-ve-cho-nu-sinh-1768377-b.html