Tăng cường giảng dạy tiếng Pháp cả về số lượng, chất lượng

Nội dung này được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại phiên họp lần thứ 18 của Ủy ban định hướng Trung tâm Pháp ngữ Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ sáng nay (24/1), tại Hà Nội. Phiên họp do Bộ GD&ĐT phối hợp với Văn phòng Châu Á Thái Bình Dương – Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tổ chức.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp

Tiếp nối những thành công của Hiệp định cấp Chính phủ về việc củng cố Đề án phát triển tiếng Pháp khu vực Đông Nam Châu Á giai đoạn 2012-2015 đã được ký kết tại Paris ngày 19/12/2011, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác để triển khai các hoạt động đã được thống nhất hàng năm giữa các bên liên quan.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thời gian qua, nhiều hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, các hoạt động phong trào ở các trường phổ thông cũng như các trường ĐH đã thực hiện với những kết quả khả quan, đáp ứng với những nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giảng dạy tiếng Pháp nói riêng tại các quốc gia thụ hưởng.

Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang áp dụng các biện pháp cần thiết, huy động các nguồn lực về con người, kỹ thuật và tài chính để triển khai các hoạt động đã đề ra. Tiếp tục duy trì củng cố 4 chương trình tiếng Pháp hiện nay trong giáo dục phổ thông, các chương trình dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong giáo dục ĐH.

Mục đích cuối cùng là tăng cường giảng dạy tiếng Pháp cả về số lượng và chất lượng, để tiếng Pháp có một vị thế xứng đáng tại Việt Nam, một thành viên chính thức của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT luôn coi trọng việc giảng dạy ngoại ngữ, tôn trọng sự đa ngôn ngữ. Coi việc “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ” và tăng cường “Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT” là những nội dung chính trong 9 nhiệm vụ mà ngành giáo dục Việt Nam đề ra cho năm học 2018-2019.

Các ngoại ngữ đang được dạy trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay không chỉ có tiếng Anh mà còn có các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn, …. như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2.

Các đại biểu tham dự phiên họp

“Việt Nam đang đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục. Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 32/TT-BGDĐT về việc Ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó học sinh sẽ được phát triển năng lực một cách tối ưu, vị thế của các môn ngoại ngữ được khẳng định.

Chương trình các môn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh gồm tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Đức với tư cách là môn ngoại ngữ 2 được chính thức ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ năm học 2021-2022” – Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Trước những thuận lợi trong việc mở rộng tăng cường giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam đồng thời những thách thức không nhỏ trong việc đổi mới này, Bộ GD&ĐT trân trọng đề nghị các đối tác cùng nghiên cứu, xem xét tiếp tục hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á cho giai đoạn tiếp theo; tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong của tiếng Pháp trong việc đổi mới ngành Giáo dục, làm mô hình mẫu để phát triển các ngoại ngữ khác, tạo tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam và trong khu vực.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng đánh giá lại các hoạt động trong kế hoạch 4 năm của Trung tâm Pháp ngữ Châu Á-Thái Bình Dương, từ năm 2015 đến hết tháng 12/2018; đồng thời, đề xuất phương thức hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 4 năm tiếp theo 2019-2022.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-cuong-giang-day-tieng-phap-ca-ve-so-luong-chat-luong-3978124-v.html