Tăng cường giám sát, xử lý đối tượng ''thổi giá'' bất động sản

Đây là thông tin vừa được Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra nhằm triển khai các giải pháp để quản lý, ổn định thị trường bất động sản trong năm 2021 và giai đoạn tới.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng quy hoạch, làm giá bất động sản.
(Ảnh minh họa)

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2021, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định: Thị trường bất động sản năm 2021 trước mắt vẫn còn có những thách thức, như việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, tốc độ phục hồi nền kinh tế trong nước trong thời gian tới; việc triển khai có hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống những cơ chế, chính sách đã được nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh bất động sản thời gian qua.

Tuy nhiên, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, cơ hội phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất lớn. Đó là tình hình chính trị ổn định; kinh tế vĩ mô phát triển ổn định; xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm việc của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn; thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn có nhu cầu cao...

"Nếu nắm bắt được các cơ hội này và các cơ chế, chính sách, pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, sớm được triển khai thực hiện, đi vào thực tế thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh; đồng thời sẽ là bản lề mở ra thời kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản trong hoàn cảnh, điều kiện mới", ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định.

Về giải pháp để quản lý, ổn định thị trường bất động sản trong năm 2021 và giai đoạn tới, Bộ Xây dựng cho biết, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp và quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, Bộ đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Trong năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, như: Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) trình Chính phủ xem xét ban hành...; tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là về hệ thống đường giao thông...) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính... Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23-4-2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/993757/tang-cuong-giam-sat-xu-ly-doi-tuong-thoi-gia-bat-dong-san