Tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, để phát huy giá trị, nguồn lực tài chính quốc gia, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội.

Sáng 16/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng chí Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị. Về phía điểm cầu Nghệ An, có đồng chí: Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải... Ảnh: Mỹ Nga

Sáng 16/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng chí Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị. Về phía điểm cầu Nghệ An, có đồng chí: Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải... Ảnh: Mỹ Nga

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Qua 1 năm triển khai thực hiện, thông qua tổ chức tập huấn, triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đã giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công nắm bắt được các quy định mới để thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện, tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đã chỉ ra những mặt hạn chế, vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung. Nguyên nhân ở chỗ, tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng; đối với một số tài sản công đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp.

Quản lý chặt chẽ mua sắm tài sản Nhà nước là việc làm cần thiết. Ảnh: Internet.

Nhiều địa phương tập trung phản ánh tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc những lĩnh vực này, nên các địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, số lượng máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích trụ sở chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp nhiều, chủng loại đa dạng, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khác nhau nên việc tổng hợp, xây dựng tiêu chuẩn, định mức chưa được kịp thời.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các ngành, địa phương, để trình Quốc hội xem xét và sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian tới, cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, để phát huy giá trị, nguồn lực tài chính quốc gia, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội.

Mỹ Nga

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tang-cuong-giam-sat-viec-thuc-hien-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-243148.html