Tăng cường giám sát quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu

Trước tình trạng một số doanh nghiệp 'mượn' mã số vùng trồng của cơ sở khác để hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh trái cây Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường giám sát quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu.

Ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNN vừa yêu cầu UBND các địa phương cũng như các Cục, gồm: Bảo vệ thực vật; Trồng trọt; Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu.

Theo đó, Bộ NN&PTNN cho rằng, thời gian qua, việc quản lý mã số vùng trồng tại các địa phương chỉ mới dừng lại ở thống kê ban đầu để gửi về đơn vị này, còn việc kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương.

Vụ mạo danh xuất xứ gây ảnh hưởng đến uy tín của trái cây Việt Nam khi xuất sang các thị trường Trung Quốc và các thị trường khác

Vụ mạo danh xuất xứ gây ảnh hưởng đến uy tín của trái cây Việt Nam khi xuất sang các thị trường Trung Quốc và các thị trường khác

Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, cơ chế trao đổi thông tin thường kỳ giữa các địa phương và đơn vị này cũng chưa hiệu quả. Thêm vào đó, thời gian gần đây, đã có một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói thậm chí “mượn”, mạo danh mã số của cơ sở khác để hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu.

Do đó, Bộ NN&PTNN yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá và rà soát toàn bộ hiện trạng vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số tại địa phương và gửi kết quả báo cáo chi tiết về Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) trước ngày 20/9. Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động giám sát đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, không để xảy ra tình trạng sử dụng mã số không đúng quy định.

Đối với Cục bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT yêu cầu hướng dẫn các địa phương quản lý, giám sát mã số đã được cấp; phổ biến cho các địa phương, các tổ chức và cá nhân về những quy định của thị trường nhập khẩu, nhất là Trung Quốc…

Đối với Cục Trồng trọt và Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cần phối hợp Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng mã số đã được cấp.

Trước đó, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Trung Quốc đã có thông báo về 220 lô xoài vi phạm với các nguyên nhân khác nhau, có tổng khối lượng khoảng 3.300 tấn, chiếm khoảng gần 0,5% tổng lượng xoài đã xuất khẩu sang quốc gia này trong năm 2019-2020.

Trung Quốc đã có quyết định tạm dừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan của Việt Nam để phối hợp điều tra nguyên nhân cũng như đề xuất biện pháp để khắc phục vi phạm và nâng cao công tác quản lý.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói, thì tỉnh Đồng Tháp có 2/82 vùng trồng và 1/12 cơ sở đóng gói nằm trong danh sách bị xác định vi phạm. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện doanh nghiệp cố tình lấy sản phẩm khác “mạo danh” sản phẩm có mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp qua kiểm tra phát hiện mã số vùng trồng “VN- DTOR- 0017” và “VN- DTOR- 0018” không có sản lượng xoài được thu hoạch. Thế nhưng, có doanh nghiệp vẫn dán mã số vùng trồng nêu trên để xuất khẩu và bị Hải quan Trung Quốc phát hiện đối tượng “kiểm dịch thực vật”, tức lô hàng xuất sang Trung Quốc bị quốc gia này giữ lại do không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh và phòng dịch.

Từ câu chuyện của quả xoài Đồng Tháp không chỉ tạo ra những tác động tiêu cực đối với trái cây, đặc biệt là xoài của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của trái cây Việt Nam khi xuất sang các thị trường khác.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-giam-sat-quan-ly-ma-so-vung-trong-va-co-so-dong-goi-phuc-vu-xuat-khau-143388.html