Tăng cường giám sát những lĩnh vực, địa phương có tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng

Chính phủ đề nghị tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những ngành, lĩnh vực, địa phương có tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; qua đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là trách nhiệm người đứng đầu để xử lý nếu có sai phạm.

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022 (số liệu tính từ 01/8/2021 đến 31/7/2022).

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, mặc dù thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do COVID -19 ít hơn nhiều so với năm 2021 nhưng số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước; số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%, tuy nhiên, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%. Nhìn chung, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều, tuy còn một số vụ việc tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương.

 Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn.

Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn.

Công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thúc đẩy; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 84,9%, cơ bản đạt yêu cầu và cao hơn nhiều so với năm 2021 (76,3%), nhất là các bộ, ngành trung ương (93,8%) và nhiều địa phương cũng có tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai, dân chủ, các phiên đối thoại công khai với công dân luôn khuyến khích đội ngũ luật sư tham gia với tư cách làm người tư vấn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời giải thích cho người dân hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến nội dung vụ việc; việc bảo vệ bí mật người tố cáo được thực hiện đúng quy định của pháp luật; công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài, trong đó có sự tham gia tích cực, hiệu quả và thực chất của các tổ chức chính trị - xã hội; nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc đối thoại, giải thích và hòa giải để giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở.

Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, nhất là cấp huyện, xã; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm và sai sót, nhất là giải quyết lần đầu. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền của một số địa phương đạt thấp. Một số nơi, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc tiếp công dân gắn với việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, dẫn đến công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Trách nhiệm trước hết thuộc về Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những ngành, lĩnh vực, địa phương có tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc có nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

“Thông qua giám sát, làm rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhất là trách nhiệm người đứng đầu để xử lý nếu có sai phạm; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh quản lý nhà nước và có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo, mặt khác, phát hiện những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật để có giải pháp hoàn thiện”, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo ở địa phương. Sớm nghiên cứu sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hằng năm tại các kỳ họp đầu năm của Quốc hội.

Giao Tòa án nhân dân tối cao tiến hành tổng kết việc xét xử các vụ việc khiếu kiện hành chính trong những năm qua để có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện khởi kiện vụ việc hành chính ra Tòa.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 2022, có 284.309 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 14,1% so với năm 2021), với tổng số người được tiếp là 305.920 người (giảm 14,7%) về 221.258 vụ việc (giảm 19,3%), có 2.314 đoàn đông người (giảm 32,7%),

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 19.975/23.526 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9% (tăng 8,6% so với năm 2021). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 25,2 tỷ đồng, 1,9 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỷ đồng, 8 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân; kiến nghị xử lý 466 người (trong đó có 408 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng (có 13 cán bộ, công chức).

Vy Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/tang-cuong-giam-sat-nhung-linh-vuc-dia-phuong-co-tinh-hinh-khieu-nai-to-cao-phuc-tap-ton-dong-622229.html