Tăng cường giải pháp, đẩy nhanh tiến độ

Chậm bàn giao di vật, chưa thể nhất thể hóa quản lý di sản là một trong những hạn chế của công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Trước vấn đề này, mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tăng cường giải pháp, đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để tập trung nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Khách tham quan Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Bá Hoạt

Bộn bề công tác bảo tồn, tôn tạo

Thực hiện cam kết của Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện tích hơn 2.500m2 trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hệ thống di tích kiến trúc từ thời Lý đến thời Nguyễn, xác định được trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ và Lê Trung hưng cũng như hàng nghìn di vật có giá trị văn hóa, lịch sử.

Riêng trong năm 2017, công tác khai quật thăm dò mở rộng diện tích khảo cổ với tổng số gần 982m2 ở khu vực phía Đông nền Điện Kính Thiên của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (Trung tâm) đã làm phát lộ dòng chảy nhân tạo lớn theo chiều Bắc - Nam từ cuối thời Lê Trung hưng; nền gạch, móng cột, cống thoát nước, dải điểm hoa chanh… có niên đại từ thời Lý và nhiều di vật từ thời Đại La đến thời Nguyễn. Song song với công tác khảo cổ, Trung tâm còn tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, trưng bày, triển lãm nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh công tác khảo cổ, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, khoa học: Các chương trình giáo dục di sản như “Em là nhà khảo cổ”, “Tìm hiểu Di sản Thăng Long”, “Vui Tết Trung thu”, “Tết Việt”…; trưng bày “Đồ gốm hoàng cung Thăng Long thời Lê”, Triển lãm “Căn hầm tác chiến T1”; chủ trì tọa đàm về khai thác giá trị di sản trong phát triển du lịch; phối hợp nghiên cứu với chuyên gia Pháp, Bỉ… về lĩnh vực bảo quản hiện vật, tác động của môi trường và giải pháp khắc phục… Những hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn cũng như tuyên truyền, quảng bá di sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long vẫn còn không ít tồn tại cần tháo gỡ. Theo GS.TS khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, vướng mắc lớn nhất đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hiện giờ là chưa thể nhất thể hóa công tác quản lý do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng; một phần diện tích, hiện vật, hồ sơ khai quật khảo cổ học…, vì nhiều lý do, vẫn đang thuộc quyền quản lý của tổ chức, đơn vị khác, chưa thống nhất được về thời gian, cách thức bàn giao. Hạn chế này khiến cho một trong nhiều điều khoản cam kết của Chính phủ với Ủy bản Di sản thế giới chưa được thực hiện một cách hiệu quả, triệt để...

Từng bước nhất thể hóa công tác quản lý

Chung quan điểm với GS.TS khoa học Lưu Trần Tiêu, GS sử học Lê Văn Lan - thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, khẳng định: Với một khu di tích có giá trị lớn và được khai quật trên diện tích rộng như Hoàng thành Thăng Long, cần sớm có phương án thống nhất về bảo tồn, không để dây dưa việc bàn giao di tích, di vật như hiện nay.

Song song với đó, Trung tâm cần đẩy nhanh hơn nữa công tác khai quật khảo cổ cũng như có phương án trưng bày cổ vật bảo đảm sự hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống với yêu cầu hiện đại, thể hiện tính hấp dẫn. Cần tập trung tuyên truyền, giáo dục về di sản để người dân, đặc biệt là giới trẻ, hiểu rõ về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. Những điều này vẫn được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện trong nhiều năm qua, tuy nhiên, chưa rõ tính bền vững.

Trước những hạn chế nói trên, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khẩn trương làm việc với các bên liên quan, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng, di tích, di vật, hồ sơ khai quật khảo cổ học…, từng bước nhất thể hóa công tác quản lý di tích. Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thành Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Đề án nghiên cứu khôi phục không gian Điện Kính Thiên, đẩy nhanh tiến độ khai quật khảo cổ học cũng như thống nhất với Văn phòng Quốc hội về việc trưng bày di vật tại tầng hầm tòa nhà Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện thường niên, mang tính truyền thống của Khu di tích. Để công tác giới thiệu, quảng bá giá trị di sản có tính bền vững hơn, các hoạt động văn hóa cần gắn với ý nghĩa, tên gọi của vùng đất trung tâm văn hóa, nơi giao lưu, hội tụ, cộng hưởng các giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Miên Hạo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/893725/tang-cuong-giai-phap-day-nhanh-tien-do