Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh

Hai bà Chìu Tài Múi và Tằng Tài Múi người dân tộc Dao ở làng Đông Hồng, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) không thạo tiếng phổ thông. Gặp chúng tôi, họ phải dùng ngôn ngữ cử chỉ và người khác phiên dịch để nói chuyện. Nhưng các bà cho biết: 'Chúng tôi là thế hệ cũ nên giờ không học được, chứ các cháu ở nhà đều nói, viết tiếng Việt thành thạo'.

Thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025", những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp, chương trình thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học, từng trường học và thực tiễn ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành các văn bản, phối hợp với UBND các địa phương và chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT triển khai thực hiện đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn. Một trong những giải pháp quan trọng là tạo môi trường, cơ hội để trẻ em, học sinh tham gia thực hành, trải nghiệm, giao tiếp và tương tác với nhau bằng tiếng Việt. Vì thế, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học đều chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục tiếng Việt tại cơ sở sau khi tiến hành rà soát, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với trẻ em, học sinh và điều kiện thực tiễn tại địa phương. Chẳng hạn, ngành giáo dục huyện Bình Liêu triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS như: Tích hợp một số nội dung giảng dạy tiếng Việt trong giảng dạy phổ thông, đẩy mạnh bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém, tổ chức các chuyên đề “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS”, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em", thành lập các câu lạc bộ “Tiếng Việt với trẻ em DTTS”, “Giáo viên DTTS”...

 Giờ học tiếng Việt tại Trường Mầm non Húc Động, huyện Bình Liêu. Ảnh: TRUNG THÀNH.

Giờ học tiếng Việt tại Trường Mầm non Húc Động, huyện Bình Liêu. Ảnh: TRUNG THÀNH.

Số liệu tổng kết cho thấy, tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ được huy động ra lớp ở Quảng Ninh đạt 38%, trẻ mẫu giáo đạt hơn 97%. 100% trẻ em mầm non và học sinh tiểu học DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Bà Châu Hoài Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Sau 4 năm triển khai đề án, chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được nâng lên rõ rệt. Nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt được cơ sở giáo dục, giáo viên triển khai sáng tạo cả về hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục. Môi trường tiếng Việt phong phú, đa dạng, tạo nhiều cơ hội để trẻ được giao tiếp, làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ”.

Việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS ở Quảng Ninh là giải pháp cơ bản để tạo nên sự bình đẳng trong giáo dục, nhất là giáo dục miền núi, vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục đối với học sinh ở các vùng khó khăn, tạo cơ hội tốt cho các em được chăm sóc sức khỏe, được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp...

LAN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tang-cuong-day-tieng-viet-cho-tre-dan-toc-thieu-so-o-quang-ninh-635177