Tăng cường đầu tư cho vùng 5 'Nhất'

Mặc dù được quan tâm, đầu tư, nhưng đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều khó khăn. Đây được coi là các vùng lõm kinh tế xã hội của cả nước.

 Đời sống vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Kế Toại.

Đời sống vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Kế Toại.

Ngày 26/12, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) chủ trì tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết, những năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đây vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Cả nước hiện có 53 DTTS với hơn 14 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Ngày 18/11 vừa qua, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 88, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây là lần đầu tiên, Quốc Hội ban hành một nghị quyết, chính sách đặc thù vho vùng này.

Với đề án này, Chính phủ đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế tiềm năng của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cụ thể, đến năm 2025, mức thu nhập bình quân vùng DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3 – 5%; 100% xã có đường ô tô tới trung tâm; 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đề án cũng đặt ra mục tiêu, sắp xếp ổn định người dân di cư tự phát…

Giai đoạn tới năm 2030, nâng mức thu nhập lên gấp 2,5 lần so với năm 2026. Từ đó, phấn đấu không còn hộ đói, giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020. Bên cạnh đó, sẽ giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát.

Để thực hiện những mục tiêu trên, ông Thắng cho biết, đề án sẽ tập trung thực hiện, giải quyết 10 nhiệm vụ căn cơ. Đó là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đề án cũng tập trung đầu tư, phát triển giáo dục, nâng cao nguồn nhân lực cho vùng miền núi. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em.

Nhiệm vụ truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS vô cùng quan trọng. Ông Thắng đề nghị, các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuyên truyền sâu rộng các chính sách dân tộc, các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Nông thôn mới, 135…

Cần tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền đề chống phá Đảng, Nhà nước. Từ đó phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực phản động, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại đề nghị thời gian tới, Ủy ban Dân tộc cần phối hợp với các cơ quan báo chí nhiều hơn, tổ chức các chuyến đi thực tế để tuyên truyền đời sống vùng đồng bào DTTS. Riêng Cục Thông tin đối ngoại cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan báo chí đây mạnh thông tin tuyên truyền. Đồng thời, thúc đẩy các Bộ ngành, thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền kịp thời, chính xác.

Ông Huynh cũng đề nghị các cơ quan báo chí chủ động liên hệ, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các vấn đề về nhân quyền, thông tin đối ngoại.

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tang-cuong-dau-tu-cho-vung-5-nhat-post255482.html