Tăng cường đấu tranh chống hàng gian, hàng giả

Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân càng tăng cao. Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, có thương hiệu thì đây cũng là dịp hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bùng phát khiến người tiêu dùng lo lắng.

Trong những ngày qua, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm. Cụ thể, mới đây, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu làm giả của một cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn quận 12. Cơ sở này mua hóa chất từ nhiều nguồn khác, dùng máy móc trộn thành hỗn hợp, sau đó đóng vào các chai, bên ngoài có in chữ sản xuất tại Thái-lan và bán ra thị trường. Lực lượng quản lý thị trường cũng vừa phát hiện một cửa hàng bán đồng hồ tại đường Lê Thị Riêng, quận 1 bày bán dường như công khai 600 loại đồng hồ nhập lậu, giả các thương hiệu nổi tiếng.

Thực tế, hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc ngày càng được làm tinh vi, với những thủ đoạn khó lường. Hàng hóa không chỉ xuất hiện ở những điểm kinh doanh đơn lẻ mà ngay các chợ ở trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng được bày bán công khai. Giữa tháng 5-2018, lực lượng quản lý thị trường đồng loạt ra quân với năm tổ, tiến hành kiểm tra hàng gian, hàng giả tại chợ Bến Thành, quận 5. Qua đó, phát hiện hàng loạt sạp kinh doanh mắt kính, đồng hồ, túi xách, ví, bút… với hơn 3.200 sản phẩm vi phạm, trong đó có 1.380 sản phẩm hàng giả và 1.914 sản phẩm hàng lậu. Toàn bộ những sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như: Omega, Chanel, Rolex, Rado, Gucci, CK…

Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, cùng với việc giao thương kinh tế ngày càng được mở rộng… các đối tượng làm ăn bất chính đã lợi dụng sản xuất hàng gian, hàng giả… để “móc túi” người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này dù đã được tăng cường nhưng nhìn chung kết quả mang lại vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác kiểm tra, thanh tra của các lực lượng chức năng chưa được thường xuyên, chưa kiên quyết trong xử lý… cũng là một trong những nguyên nhân để hàng gian, hàng giả có đất “sống”.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, nạn hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính, thất thu ngân sách của Nhà nước… Do đó, vấn đề cần phải được nghiêm túc mổ xẻ và giải quyết rốt ráo, là làm sao để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng lậu…

Cuộc đấu tranh đối với hiện tượng tiêu cực này là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong đó, rất cần công khai quy trình kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm công vụ của các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được nạn hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu… đang có xu hướng gia tăng hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38226202-tang-cuong-dau-tranh-chong-hang-gian-hang-gia.html