Tăng cường đào tạo nhân lực y tế cơ sở

Tuyến y tế cơ sở có vai trò, chức năng và ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế, trong những năm qua, nguồn nhân lực y tế ở cơ sở và mạng lưới các trạm y tế phường, xã vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Cần nâng cao trình độ cho nhân lực tuyến y tế cơ sở. Ảnh minh họa.

Chỉ 3 tỉnh, thành phố đủ bác sĩ ở trạm y tế

Theo thống kê chung về nhân lực của ngành y tế, hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ là trên 55.000 người, tương ứng với tỷ lệ 7,2 bác sĩ/ 1 vạn dân, còn số y tá và hộ lý là 105.000 người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Nhìn chung tỷ lệ này cũng được xếp vào nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillippines và tương đương với Indonesia.

Chất lượng ngành y tế hiện nay đã được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Số cán bộ y tế có trình độ cao, chuyên sâu còn chưa nhiều. Hiện nay số cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tới trên 1/2 tổng số cán bộ, trong khi số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 1/3 và số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên khoảng 10%.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn lực trầm trọng thể hiện rõ nhất tại các vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới và các trạm y tế tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhân lực y tế và cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở hiện nay, đặc biệt là trạm y tế xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và dự phòng cũng như khám chữa bệnh, nên người dân chưa tin tưởng, dẫn tới xu hướng vượt tuyến, gây quá tải không cần thiết cho tuyến trên, tiêu tốn nhiều tiền của do phải chữa bằng các kỹ thuật cao mà không cần thiết. Mặt khác khi vào viện nhiều cũng tăng nguy cơ lây nhiễm.

Qua khảo sát, Bộ Y tế cho biết, hiện nay chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM và Yên Bái có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế. Còn 8/26 trạm y tế chưa có bác sĩ làm việc tại trạm tế; 9/26 chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực

Để giải quyết triệt để bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực tại tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đã phối hợp với Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới mở rộng việc đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cho các tỉnh khó khăn thông qua Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET). Tại đây, cán bộ y tế sẽ được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng như huyết áp, tiểu đường và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.

Ông Nguyễn Ngô Quang- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ- Đào tạo (Bộ Y tế)- Giám đốc Dự án HPET cho rằng, từ trước đến nay Bộ Y tế có nhiều dự án để đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng, hệ thống y tế cơ sở. Tuy nhiên, đó là những đầu tư theo chiều dọc, tức đầu tư cho trang thiết bị, giảng dạy, labor, đầu tư giảng dạy giảng viên mà chưa có dự án nào đầu tư cho đổi mới đào tạo dựa trên năng lực.

“Trong Dự án này, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây dựa trên năng lực là dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp của người bác sĩ, điều dưỡng khi mà họ ra trường”- ông Quang cho biết.

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng tại tuyến y tế cơ sở, đòi hỏi công tác quản lý đào tạo nguồn nhân lực y tế cần phải có những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài để tập trung thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới hội nhập quốc tế.

Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhằm tăng cường đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ. Theo đó, bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương về giúp năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh giúp cho tuyến huyện, tuyến huyện giúp cho trạm y tế xã.

Theo Bộ Y tế, với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm... Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm...

Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trung ương, BV tuyến cuối của TP Hà Nội, TPHCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn 2018-2020 cho 4 tỉnh phía Bắc gồm huyện Bát Xát, Lào Cai; huyện Trấn Yên, Yên Bái; huyện Ba Vì, Đan Phượng, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hà Nội và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/tang-cuong-dao-tao-nhan-luc-y-te-co-so-tintuc415360