Nhận diện thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Theo các chuyên gia tội phạm học, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ở nước ta phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch.

Ngày nay, nạn buôn người hay mua bán người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu. Theo số liệu của nhiều tổ chức uy tín, tội phạm mua bán người đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí.

Trong thông điệp về ngày Phòng chống mua bán người năm 2020 ( ngày 30-7) , Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói: “Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu, tạo ra nhiều rào cản trên con đường đạt mục tiêu phát triển bền vững. Việc này cũng đã khiến hàng triệu người có nguy cơ bị mua bán vì mục đích mại dâm, lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng ép và các tội phạm khác. Tỉ lệ phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 70% số nạn nhân mua bán người được phát hiện và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch. Các cuộc suy thoái trước đây cho thấy phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm sau khủng hoảng, vì vậy đây là thời điểm cần hết sức cảnh giác”.

Hình minh họa

Hình minh họa

Ở nước ta, sáu tháng đầu năm 2020, trên cả nước phát hiện 60 vụ mua bán người, liên quan đến 85 người, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.

Nhiều chiêu thức dụ người qua biên giới

Theo các chuyên gia tội phạm học, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ở nước ta phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân lên các tỉnh biên giới rồi bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Gần đây, còn xuất nhiện thêm hình thức mua bán phụ nữ mang thai và đưa ra nước ngoài sinh con để bán trẻ sơ sinh… Các đối tượng đã lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, trong điều kiện bùng nổ mạng xã hội và sự phổ biến của internet, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... để liên lạc, làm quen với nạn nhân (do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện cũng như đảm bảo được bí mật về thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng...), sau đó nhờ các đối tượng quen biết trên địa bàn đưa nạn nhân lên khu vực biên giới, điều này giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nạn nhân; xu hướng tiếp cận này được các đối tượng phạm tội sử dụng ngày càng nhiều khiến công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, ngày 11/9/2020, Công an tỉnh Lào Cai cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 đối tượng về tội Mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trong đó, đối tượng Sùng A Chớ ( 29 tuổi ) trú tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là đối tượng cầm đầu. Thủ đoạn của Chớ và đồng bọn hết sức tinh vi, lợi dụng sự tin tưởng của người dân đối với lực lượng công an, bộ đội biên phòng, Chớ đã lên mạng internet tìm kiếm hình ảnh của lực lượng công an, biên phòng rồi để làm hình ảnh đại diện, từ đó chủ động tìm kiếm, làm quen với các cô gái nhẹ dạ, cả tin với mục đích dụ dỗ rồi lừa bán sang bên kia biên giới. Bằng thủ đoạn này, từ năm 2018 đến nay, Chớ cùng đồng bọn gây ra 29 vụ, dụ dỗ, lừa gạt 41 bị hại, trong đó có các bị hại dưới 16 tuổi ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Kạn đưa sang Trung Quốc bán cho các đầu mối bên Trung Quốc với giá từ 12.000 - 20.000 NDT/người. Trong đó, Chớ được trích 3000 NDT/người.

Nhận định về hành vi của nhóm tội phạm này, luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo thông tin do báo chí cung cấp, hành vi của Sùng A Chớ và đồng bọn có dấu hiệu cấu thành tội mua bán người ( Điều 150 – BLHS) và tội mua bán người dưới 16 tuổi ( Điều 151 – BLHS ). Đối với tội Mua bán người, Chớ và đồng bọn đã có hành vi mua bán đối với 41 người, với tội này, Sùng A Chớ và đồng bọn có thể bị áp dụng mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù ( theo quy định tại điểm đ, khoản 3 – Điều 150 “ Đối với 06 người trở lên;”). Đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi, Sùng A Chớ và đồng bọn có thể bị áp dụng mức hình phạt từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân ( theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 151 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng “ Có tổ chức”). Mức hình phạt cao nhất đối với cả hai tội, Sùng A Chớ và đồng bọn có thể bị xử tù chung thân.

Nếu kết quả điều tra xác định Chớ có hành vi mua bán số lượng người dưới 16 tuổi từ 06 người trở lên hoặc có tổ chức ; có tính chất chuyên nghiệp thì Sùng A Chớ và đồng bọn có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 18 năm, 20 năm đến tù chung thân theo khoản 3 Điều 151 BLHS

Chú trọng tuyên truyền về tội phạm mua bán người

Từ thực tế các vụ án, luật sư Đỗ MinH Hiển cũng cho rằng, khi nghiên cứu phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người ở Việt Nam, có thể thấy rằng thủ đoạn của Chớ và đồng bọn trong vụ án này không mới, vẫn là thủ đoạn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để lừa phỉnh, dụ dỗ bằng quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn các điều kiện vật chất tốt hơn nơi các nạn nhân đang sinh sống từ đó dễ dàng bán các nạn nhân qua biên giới. Chớ và đồng bọn cũng lợi dụng mạng xã hội, đóng giả công an, bộ đội biên phòng để dễ dàng kết nối với các nạn nhân từ đó dẫn dụ các nạn nhân để bán qua biên giới cho các đối tượng người nước ngoài.

Sùng A Chớ và 6 đối tượng bị bắt giữ (ảnh: Công an Lào Cai)

Với tình hình tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp, theo luật sư Hiển, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ; Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người và công tác thi hành chính sách, pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mua bán người.

Trong các giải pháp nêu trên, luật sư Hiển cho rằng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là rất quan trọng. Trong đó, cần đổi mới công tác giáo dục, truyền thông về tội phạm mua bán người với nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các em gái chưa ngoan, có hoàn cảnh đặc biệt,… không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Đặc biệt, chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người và tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).Ngoài ra, để công tác phòng chống mua bán người được thực hiện hiệu quả cần sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các ban ngành và cả hệ thống chính trị./.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nhan-dien-thu-doan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-778560.vov