Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội

Thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, ngành đã tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

Những năm qua, việc thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở huyện An Phú được tập trung triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Cuối năm 2015, toàn huyện có 7.997 hộ nghèo (chiếm 17,64% tổng số hộ toàn huyện), 3.043 hộ cận nghèo. Đến nay, toàn huyện 1.611 hộ nghèo (chiếm 3,54% tổng số hộ toàn huyện), 2.532 hộ cận nghèo (chiếm 5,57%).

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Phú Nguyễn Văn Trực cho biết, các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo được cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ, thường xuyên có kiểm tra, giám sát để kịp thời điều chỉnh. Vào đầu mỗi năm, các địa phương tiến hành khảo sát các hộ có khả năng thoát nghèo (có lao động, kế hoạch sản xuất, tư liệu sản xuất…) để tập trung hỗ trợ: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phương tiện sản xuất, vốn tín dụng để phát triển sinh kế, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo… Đối với các hộ mới thoát nghèo, cận nghèo nhưng chưa bền vững, huyện tập trung các giải pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất để giảm nguy cơ tái nghèo.

Theo UBMTTQVN huyện An Phú, quỹ Vì người nghèo 5 năm qua vận động hơn 90 tỷ đồng, qua đó cất mới 1.135 căn nhà và sửa chữa 90 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ 45 hộ dân phát triển sản xuất, hỗ trợ khám, chữa bệnh 96.112 lượt người, trợ giúp 18.015 lượt học sinh nghèo, trao tặng 87.215 phần quà, trợ giúp khó khăn 24.341 lượt người…

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng tặng quà cho gia đình chính sách và hộ nghèo xã Nhơn Hội (An Phú)

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2019, tỉnh An Giang luôn đạt về mục tiêu giảm nghèo theo nghị quyết đề ra và kết quả giảm nghèo bền vững. Phần lớn các hộ bị tái nghèo do ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan: do thiên tai hoặc mất lao động chính (bị tai nạn lao động hoặc bệnh hiểm nghèo).

Hệ thống chính sách đã được hình thành và phát triển, thống nhất quản lý từ tỉnh đến huyện, xã cùng sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức đoàn thể... thực hiện khá đồng bộ các chính sách, chủ trương, cơ chế, giải pháp cho hộ nghèo, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Việc tăng cường đầu tư vốn vay ưu đãi cho hộ cận nghèo góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, từ đó có điều kiện vươn lên, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội tăng định mức cho vay đã góp phần tích cực trong việc giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách bền vững.

Giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, cụ thể: hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo (Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) là 18.122 hộ, kinh phí 383.272 triệu đồng; hộ cận nghèo (Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg) là 24.888 hộ, kinh phí 669.516 triệu đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo (Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg) là 10.765 hộ, kinh phí 338.504 triệu đồng; hộ nghèo vay cất nhà (Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg) là 1.605 hộ, kinh phí 40.082 triệu đồng và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh thiếu vốn sản xuất có thêm nguồn vốn để sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Đầu tư của nhà nước cho các chính sách giảm nghèo ngày càng tăng và huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (Chương trình 135). Thực hiện cơ chế chính sách phù hợp của nhà nước, đã tạo được sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, phương thức thực hiện các chính sách hỗ trợ xã hội. Người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến mạnh dẫn đến chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu làm giàu.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, hầu hết các chính sách, chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả với sự quan tâm của các cấp, ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ đã góp phần ổn định đời sống cho người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và bước đầu chuyển đổi cơ cấu, chất lượng lao động theo hướng tích cực.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-a287850.html