Tăng cường công tác tuyên truyền phối hợp

Những năm gần đây, ý thức chấp hành an toàn giao thông (ATGT) của học sinh trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, để xây dựng văn hóa giao thông trong học đường, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông ở đối tượng này trong dịp hè vẫn cần sự chung tay từ nhiều phía.

Nhiều nguy cơ

Một kết quả nghiên cứu của Ủy ban ATGT gần đây cho thấy, số lượng trẻ em thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) trong 10 năm trở lại đây có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong do TNGT của học sinh cấp THPT trên địa bàn Hà Nội ở mức 7,39/100 nghìn học sinh, cao gấp gần 3 lần so với Nhật Bản và gần 2 lần so với Hàn Quốc.

Khách quan nhìn nhận, trước thực trạng TNGT luôn diễn biến phức tạp mỗi khi hè về, nhất là các hành vi vi phạm quy định về ATGT có xu hướng gia tăng. Để chấn chỉnh, thời gian qua các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền và xử lý nên ý thức chấp hành của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, theo ghi nhận vẫn còn nhiều thanh, thiếu niên thường xuyên vi phạm các qui định ATGT, nhất là vào buổi tối và ở các khu vực ngoại thành.

Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm phổ biến của các học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.

Giao thông tại trục quốc lộ 21B là một ví dụ. Quan sát tại một ngã ba khu vực đường 21B, đoạn qua xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) thời điểm tan tầm, không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định lưu thông qua khu vực này. Đáng chú ý, đa phần những đối tượng vi phạm ATGT thường điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy khi chưa đủ tuổi, còn thiếu những kiến thức và kỹ năng về điều khiển phương tiện an toàn.

Chia sẻ về vấn đề trên, nhà văn Nguyễn Văn Học người giành Giải Nhì của cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ủy ban An toàn giao thông Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức cho biết: Thanh thiếu niên, đặc biệt là những khu vực ngoại thành khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường có tâm lý chủ quan nên họ thường gây tai nạn cho chính mình và người xung quanh.

Một bộ phận thanh niên, học sinh vẫn còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông đó là dàn hàng ngang ra đường, thậm chí có em còn đèo 3 đến 4 người trên xe mô tô hết sức nguy hiểm. “Vấn đề đảm bảo an toàn cho các em học sinh không chỉ là nỗi lo của riêng cha mẹ học sinh mà đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô trong các nhà trường. Nhưng để hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động để các em đến vui chơi tránh xa tệ nạn xã hội” - nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Tăng cường giảng dạy ATGT

Một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu TNGT đối với học sinh, sinh viên thời gian nghỉ hè là cần nâng cao sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương nơi học sinh cư trú. Theo tìm hiểu, để các em học sinh, sinh viên chủ động nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, ngay từ đầu mỗi năm học các nhà trường trên địa bàn Hà Nội đều đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông hướng tới xây dựng “Văn hóa giao thông” cho học sinh, sinh viên, đồng thời cuối năm học các nhà trường cũng nhắc nhở các em chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ trong dịp hè. Nhiều trường còn chủ động đề nghị phụ huynh ký cam kết không để con em mình vi phạm Luật Giao thông khi nghỉ hè.

Trên khía cạnh quản lý, để kịp thời chấn chỉnh tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT theo TS Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng trường THPT dân lập Trần Hưng Đạo đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường- gia đình- chính quyền địa phương nhằm quản lý và đảm bảo an toàn tốt hơn cho các em học sinh trong dịp nghỉ hè. “Có lẽ thành đoàn và các hội phụ nữ nên phối hợp và tham gia quản lý và phải có quy chế phối hợp chặt chẽ tối đa học sinh của nhà trường để huy động tối đa học sinh tham gia. Đấy vừa là giáo dục vừa giúp chúng ta quản lý học sinh trong dịp hè” - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học, để hạn chế các vụ TNGT liên quan đến học sinh, ngoài việc nâng cao giáo dục tuyên truyền cho các em về các kiến thức, kĩ năng về điều khiển phương tiện an toàn, cũng cần nâng cao nhận thức của các lái xe trong việc tuân thủ các quy định về tốc độ, khoảng cách an toànkhi lưu thông qua các khu vực cổng trường học, nhường nhịn các em trong quá trình tham gia giao thông. Đặc biệt, gia đình, người lớn không nên tùy tiện giao phương tiện cơ giới cho các em sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn giao thông.

“Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng thông báo về trường sẽ bị xử lý nghiêm như hạ mức thi đua, thậm chí nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị hạ hạnh kiểm… Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của Đoàn Thanh niên thông qua các hoạt động trong dịp nghỉ hè. Cụ thể nhất là các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thông qua đó, tổ chức các trò chơi lồng ghép tuyên truyền pháp luật về ATGT, tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho học sinh trong dịp hè” - nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-cong-tac-tuyen-truyen-phoi-hop-74109.html