Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Là một trong 8 khu kinh tế động lực của đất nước với hàng trăm dự án đang hoạt động, nhưng từ nhiều năm qua, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) không xảy ra sự cố môi trường nào đáng kể. Kết quả đó phải kể đến công tác quản lý Nhà nước về môi trường của Ban Quản lý (BQL) KKTNS và các Khu công nghiệp (CKCN).

Nhà máy xử lý nước thải hiện đại của Dự án Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn, nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng. Ảnh: Linh Trường

Thống kê mới nhất từ BQL KKTNS&CKCN, đến hết tháng 10–2020, KKTNS đã thu hút được 253 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án đầu tư nước ngoài. Xét trên bình diện toàn khu vực Bắc Trung bộ, KKTNS chính là nơi tập trung nhiều dự án tầm cỡ quốc gia nên cũng chính là nơi tập trung nhiều nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Xác định công tác bảo đảm môi trường là nhiệm vụ quan trọng, từ ngày 18–8–2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Sau đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 135/KH-UBND vào ngày 15–9–2016 để triển khai thực hiện. Là đơn vị đặc thù với vấn đề ô nhiễm môi trường luôn thường trực, BQL KKTNS&CKCN tỉnh đã khá sâu sát trong quản lý, giám sát doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Tất cả các dự án đầu tư mới tại KKTNS, trước khi được triển khai thi công, BQL KKTNS&CKCN yêu cầu phải hoàn thành các hồ sơ về môi trường theo quy định, trong đó có đánh giá tác động môi trường, các phương án xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn... Để nâng cao nhận thức về trách nhiệm của chủ dự án đối với công tác bảo vệ môi trường, BQL KKTNS&CKCN đã định kỳ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ban còn ban hành và gửi nhiều văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện các quy định trong quá trình thi công, triển khai dự án cũng như sản xuất lâu dài. Nếu phát hiện các doanh nghiệp có yếu tố nguy cơ đến môi trường, ban sẽ thành lập đoàn kiểm tra nắm bắt tình hình để nhắc nhở, ngăn chặn. Hằng năm, BQL KKTNS&CKCN đều phối hợp với các đơn vị chức năng, như: Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, Cảnh sát Môi trường thuộc Công an tỉnh, thị xã Nghi Sơn, tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại những dự án trọng điểm, nguy cơ gây ô nhiễm cao. Tính riêng giai đoạn từ 2016 đến nay, tại KKTNS chưa xảy ra sự cố môi trường nào. Đa số các doanh nghiệp đều nghiêm túc vận hành trạm xử lý nước thải, hệ thống xử lý khí thải và hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý chất thải.

Với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, dễ xả thải thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý, hiện đã được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhất là giảm thời gian thủ tục cho chủ đầu tư, công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của BQL KKTNS&CKCN được thực hiện song song với các hồ sơ xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các dự án bảo đảm tiến độ.

Tại “siêu dự án” Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, toàn bộ chất thải được Công ty CP Môi trường Nghi Sơn thu gom xử lý. Riêng hệ thống nước làm mát máy, được thu gom qua các bể để xử lý, bảo đảm an toàn theo quy định trước khi thải ra môi trường. Toàn bộ quá trình xả thải và xử lý chất thải ở đây đều được quan trắc, tự động gửi thông tin đến các cơ quan liên quan để theo dõi. Tại Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn, chủ đầu tư là Công ty CP Gang thép Nghi Sơn cũng xây dựng cả một nhà máy hiện đại xử lý nước thải. Theo đó, toàn bộ nước làm mát máy và phục vụ sản xuất được dẫn qua các đường ống lớn, về các bể thu. Nước sau khi được xử lý, bằng trực quan, chúng tôi có thể cảm nhận được độ trong, không mùi như nước bình thường. Đa phần lượng nước sau xử lý này lại được nhà máy tái sử dụng, đã phần nào cho thấy khâu xử lý nước thải ở đây đều bảo đảm. Về xử lý khí thải, theo các thuyết minh kỹ thuật được nhà máy cung cấp, trong quá trình nấu luyện của lò trung tần, sinh ra lượng khói bụi nhất định. Quá trình đó được diễn ra trong chụp hút của hệ thống hút bụi. Tất cả khói và bụi sẽ được hút vào đường ống hút có đường kính giật cấp tăng dần từ 3,6m – 4,2m – 4,7m – 5,1m, bằng 2 quạt hút công suất 1,5 triệu m3/giờ. Sau đó, khí thải sẽ được dẫn tới bộ phận dập lửa nhằm dập các tia lửa lớn, ngăn ngừa rủi ro gây cháy cho các túi lọc trong trạm lọc. Khí thải lò luyện tiếp tục được dẫn vào trạm xử lý bụi với 6.656 túi lọc được bố trí trong 32 khoang lọc. Sau nhiều khâu xử lý, khí thải ra môi trường với tỷ lệ được làm sạch hơn 99%, tỷ lệ bụi được thu hồi hơn 95%, bảo đảm đạt tiêu chuẩn QCVN 51:2013/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đại diện BQL KKTNS&CKCN, những kết quả trên cũng chỉ là thành công của một thời đoạn nhất định, cần phải liên tục duy trì công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Nếu lơ là kiểm tra, giám sát, không ai dám chắc được các doanh nghiệp sẽ tuân thủ các quy định đến đâu. Mặt khác, những thách thức thì vẫn luôn hiện hữu. Thời gian gần đây, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ chưa nghiêm túc thực hiện các thủ tục như lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, hợp đồng với các đơn vị thu gom chất thải. Tại một số cảng tổng hợp xuất khẩu hàng rời như xi măng, than, clinker, vẫn còn tình trạng bụi phát tán trong quá trình vận chuyển.

Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-moi-truong-tai-khu-kinh-te-nghi-son/127805.htm