Tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu

Năm 2019, số ca mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu tăng cao.

 Phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời

Phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời

Đến ngày 15/10, toàn tỉnh ghi nhận 10 ca và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Tại tỉnh này, hàng năm vẫn còn ghi nhận rải rác ca bệnh bạch hầu. Năm 2019, số ca mắc bệnh bạch hầu có dấu hiệu tăng cao, đến ngày 15/10/2019, toàn tỉnh ghi nhận 10 ca tại các huyện Sơn Tây, Tây Trà, Sơn Hà và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, đúng qui định, nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.

Chỉ đạo, kiểm tra các huyện, thành phố tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin cho người dân trên qui mô toàn huyện hoặc xã tùy vào tình hình mắc bệnh tại mỗi địa phương. Khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cấp bách, trong đó có tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) tại các địa phương có dịch bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng bền vững phòng, chống dịch bệnh…

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miền dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắc hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

HẢI YẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-bach-hau-post252070.html