Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong đợt nắng nóng kéo dài

Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Công văn số 1660/SNN-KL, đề nghị UBND các huyện, thị xã có rừng, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong đợt nắng nóng kéo dài trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã có rừng: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR trong cán bộ công chức và nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung được quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, ven rừng, các chủ rừng chủ động rà soát và thực hiện có hiệu quả các phương án PCCCR trên địa bàn đã được xây dựng. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác PCCCR; rà soát, kiểm tra, đánh giá phương tiện trang thiết bị PCCCR đảm bảo hoạt động tốt khi được huy động chữa cháy; phân công, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hiệp đồng bố trí lực lượng trực PCCCR, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND các xã có rừng trên địa bàn quản lý nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra các khu rừng, đặc biệt các khu rừng hay xảy ra cháy rừng, khu rừng có lượng người ra vào lớn, kiểm soát, quản lý nguồn lửa để không xảy ra cháy rừng; kiện toàn các tổ đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR; duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ chữa cháy rừng để kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Sau khi có cháy rừng xảy ra, UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý. Bố trí kinh phí để thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định.

Trong công văn này, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội: Duy trì và phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các đơn vị; có phương án huy động lực lượng chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời không chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy rừng lớn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai các phương án PCCCR hiệu quả trên địa bàn thành phố…

Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội: Thực hiện nghiêm quy định về PCCCR đối với chủ rừng; rà soát phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với từng địa bàn quản lý được giao, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Bố trí tăng cường lực lượng tuần tra tại các khu rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng nhất là các khu rừng có hoạt động du lịch sinh thái cuối tuần. Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong và gần rừng. Kiểm tra các công trình PCCCR đã được đầu tư, các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo vệ rừng và PCCCR được giao đảm bảo hoạt động hiệu quả trong quá trình chữa cháy.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-rung-trong-dot-nang-nong-keo-dai-196032.html