Tăng cường công tác chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp

Ngày 14-11 tại Hà Nội, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Dự hội thảo có các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản Liên minh Châu Âu, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu và hơn 30 đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam...

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam - một nền kinh tế mở với 12 Hiệp định tự do thương mại đã có hiệu lực, 1 Hiệp định tự do thương mại đã ký và 3 Hiệp định tự do thương mại đang đàm phán.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan, hiện nay các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp được thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài nhưng khi đưa vào tiêu thụ trong nội địa, doanh nghiệp lại bóc nhãn và thay bằng “Made in Vietnam”. Thậm chí một số mặt hàng khi nhập khẩu không ghi xuất xứ trên sản phẩm, chỉ đến khi sắp lưu thông mới bổ sung nhãn phụ.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi Thương mại tự do USAID cho rằng, việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp không chỉ gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương lành mạnh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và những đối tác thương mại quan trọng khác, đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp tuân thủ tốt. Ngoài ra còn làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp vì sự chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu, kéo theo hệ lụy là hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Vì vậy, Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ.

Quang cảnh hội thảo.

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã thực hiện sửa đổi và bổ sung một số văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp Tổng cục, cục và chi cục. Phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin liên quan để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro và nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, rà soát.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và hợp tác quốc tế với các tổ chức và hải quan nước ngoài. Đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng và các hình thức gian lận thương mại để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ về giải pháp phòng chống gian lận xuất xứ, ông Tatsuyuki Imaizumi, chuyên gia cao cấp về Quy tắc xuất xứ, Hải quan Nhật Bản cho biết: “Hiện tại Nhật Bản đang áp dụng hệ thống Xác định trước trong việc quản lý xuất xứ sản phẩm. Hệ thống cho phép nhà nhập khẩu nâng cao khả năng dự báo và tính toán chính xác chi phí, thuế nhờ được biết trước về mức thuế suất. Việc thông quan hàng hóa sẽ được đẩy nhanh do xuất xứ hàng hóa đã được hải quan xác định trước khi khai báo nhập khẩu. Các nội dung xác định trước được cấp bằng văn bản và có hiệu lực trong 3 năm”.

Tại hội thảo, ông Brian Staples, chuyên gia về xuất xứ, Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu cũng có những chia sẻ về tác động của bảo lãnh thông quan đến quá trình chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Theo ông Brian Staples, hợp đồng bảo lãnh được lập ra để đảm bảo việc thực hiện một nghĩa vụ theo luật hoặc quy định. Đó là một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh chuyển tải trái phép và khai báo sai xuất xứ vì hợp đồng này không thể bảo hiểm cho các hoạt động phi pháp, gian lận; đồng thời giúp bổ sung thêm một phân lớp đánh giá rủi ro.

Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tang-cuong-cong-tac-chong-gian-lan-xuat-xu-va-chuyen-tai-bat-hop-phap-599915