Tăng cường chống tình trạng lợi dụng thương mại điện tử

Chiều 8/3, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành lắng nghe góp ý vào kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đây là một nhiệm vụ được Ban chỉ đạo 389 Quốc gia giao Văn phòng Thường trực thực hiện trong năm 2019.

TMĐT ngày càng tăng trưởng

Chánh Văn phòng Đàm Thanh Thế cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, TMĐT ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích cao cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới. Theo thông tin từ các cuộc khảo sát của Hiệp hội TMĐT và các tổ chức có uy tín, ước tính tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2017 tăng trên 25% và năm 2018 tăng trên 30% so với năm trước.

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro làm mất lòng tin với người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức TMĐT để thực hiện các hành vi sản xuất và buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác.

Rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế, tạo cơ hội để thao túng hoạt động TMĐT ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo đại diện Văn phòng Thường trực, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, đấu tranh, ngăn chặn nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất thấp, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật còn khá phổ biến.

Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch để đề ra nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động TMĐT, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững. Quá trình thực hiện kế hoạch dự kiến kéo dài trong khoảng 2 năm và sẽ không gây tác động xấu đến thị trường, không cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Nhiều giải pháp quản lý hoạt động TMĐT

Ông Phạm Việt Hùng (Cục C03, Bộ Công an) tán thành sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch để kiểm soát tình trạng lợi dụng hoạt động TMĐT gây thiệt hại về kinh tế, thất thu thuế. Muốn vậy, phải bổ sung trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan thuế với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường nắm tình hình, chú trọng hơn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi dụng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng khó có thể yêu cầu các app nước ngoài lưu trữ và cung cấp dữ liệu người dùng

Ông Đỗ Đình Rô (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu lên một thực trạng là với các app nước ngoài thì việc giao dịch, thanh toán hoàn toàn không dính dáng gì đến Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch dự kiến giao Bộ phải “yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên mạng viễn thông, mạng internet tại lãnh thổ Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng” là rất khó khăn. Trường hợp các app này có lưu trữ, liệu Việt Nam có yêu cầu được không?

Chia sẻ một số nhiệm vụ mà Bộ có thể triển khai được, ông Rô mong muốn các bộ, ngành phối hợp quản lý việc mua bán, đăng ký sim thuê bao điện thoại vì số điện thoại hiện gắn chặt với thông tin cá nhân.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn (Bộ Công Thương) quan niệm TMĐT cũng chỉ là một trong những phương thức bán hàng của cá nhân, tổ chức. Những tồn tại, hạn chế của phương thức này không phải mỗi Việt Nam gặp phải mà là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, như ở châu Âu có tới 55% khách hàng nhận phải hàng giả khi đặt mua qua mạng.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động TMĐT

Là cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT nhưng ông Tuấn cho hay một mình Bộ Công Thương không thể làm được nên cần đặt lên hàng đầu mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ủng hộ tối đa việc ban hành kế hoạch trên, ông Vũ Mạnh Cường (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho hay, đây là tiền đề tạo điều kiện cho Tổng cục Thuế thực hiện tốt các biện pháp thu thuế với sự đồng lòng của các bộ, ngành trong quản lý hoạt động TMĐT.

Điều quan trọng để có thể thu thuế được là phải có thông tin và mấu chốt là giao dịch qua ngân hàng – dấu vết để truy vết khi tiến hành thanh toán điện tử xuyên biên giới. Theo ông Cường, tính từ năm 2014 đến tháng 11/2017, các cơ quan thuế đã rà soát được số tiền rất lớn của hơn 17 nghìn người kinh doanh qua mạng bằng việc phối hợp với ngân hàng.

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tang-cuong-chong-tinh-trang-loi-dung-thuong-mai-dien-tu-442251.html