Tăng cường chống buôn lậu qua hoạt động thương mại điện tử

PGS. TS. Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, Ban này hiện đang xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Hoạt động kinh doanh TMĐT trong các năm qua chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô. (Ảnh minh họa)

Bước phát triển mạnh mẽ về lượng và quy mô

Theo số liệu công bố của Hãng nghiên cứu thị trường Statista, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt 2,269 tỷ USD và nằm trong top 6 nền kinh tế TMĐT phát triển nhanh nhất.

Tuy nhiên, thống kê của Nielsen Việt Nam và Tập đoàn Miniwatts Marketing lại cho thấy doanh thu TMĐT của Việt Nam năm 2018 đạt tới khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự báo đến năm 2020, doanh thu TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD.

Kết quả thống kê cũng cho biết 85% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, xếp 13/20 quốc gia có số dân sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, trong đó 90% dân số ở thành thị và 50% dân số ở nông thôn dùng điện thoại thông minh. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam dành bình quân 7 tiếng/ngày cho hoạt động trực tuyến.

Theo thông tin của Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại Báo cáo về Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2019 trung bình 25 – 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đánh giá hoạt động kinh doanh TMĐT trong các năm qua chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Bên cạnh sự phát triển tích cực, TMĐT cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang TMĐT, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Khó nhận diện được các thủ đoạn kinh doanh

Các lực lượng chức năng chưa nhận diện được các thủ đoạn kinh doanh trên TMĐT, nên chưa kiểm soát được tình hình gian lận. (Ảnh minh họa)

Mới đây, tại buổi tọa đàm: “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử”, PGS. TS. Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra rộng rãi là do các lực lượng chức năng chưa nhận diện được các thủ đoạn kinh doanh trên TMĐT nên chưa kiểm soát được tình hình gian lận. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp sự phát triển công nghệ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, niềm tin của người tiêu dùng.

Chẳng hạn như vụ việc kiểm tra các mặt dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại cơ sở kinh doanh Thanh Mộc Hương (Hà Nội) vừa qua. Cơ quan quản lý đã tạm giữ gần 10.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường cho biết chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân (thậm chí học sinh, sinh viên,…); các trang mạng, wesite TMĐT thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ như đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép…

Tại tọa đàm, các cơ quan quản lý đều thừa nhận việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do việc xử lý đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi đó, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.

“Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn“, đại diện lực lượng quản lý thị trường cho hay.

Trước vấn đề này, hầu hết các ý kiến cho rằng cần sớm ban hành giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế cho TMĐT.

Ông Đàm Thanh Thế cho biết Ban chỉ đạo 389 đang xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Trong đó, sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động TMĐT.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, cho rằng TMĐT là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống. Để quản lý hoạt động này, quan trọng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch.

Đức Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-cuong-chong-buon-lau-qua-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-post68233.html