Tăng cường chăm sóc sức khỏe cộng đồng dân cư vùng lũ

Đợt mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng đầu tháng 10 vừa qua tại miền Trung được xác định là thảm họa thiên tai cần đặc biệt chú ý, nhất là công tác kiểm soát, chăm sóc sức khỏe cộng đồng sau lũ. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khống chế, không để dịch bệnh bùng phát và truyền nhiễm trong cộng đồng dân cư ở vùng lũ.

Quân y BĐBP Quảng Bình khám bệnh cho người dân vùng lũ xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Quân y BĐBP Quảng Bình khám bệnh cho người dân vùng lũ xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Sau lũ, gần như ngay lập tức, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế, dịch tễ ở địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bắt tay ngay vào chăm sóc sức khỏe và phòng dịch. Đối với các cơ sở y tế bị lũ nhấn chìm, cần có biện pháp phục hồi ngay cơ sở khám chữa bệnh, kể cả khám chữa bệnh lưu động. Với mục tiêu cả nước hướng về miền Trung, công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ lương thực, thực phẩm cho bà con vùng lũ mới chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt, còn nguy cơ thiên tai tàn phá sức khỏe người dân về lâu dài thì chưa ai dám phán đoán mức độ thiệt hại. Vì vậy, các lực lượng cứu hộ và người dân vừa trải qua thảm họa thiên tai cần được trang bị đầy đủ các kiến thức y tế để phòng bệnh và các phương án chăm sóc sức khỏe. Công tác phòng ngừa càng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại lâu dài.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là người liên tục phát đi các khuyến cáo phòng bệnh. Ông cùng các đồng nghiệp xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết về phương án phòng ngừa, dự đoán các bệnh phát sinh sau lũ và chuyển đến người dân một cách nhanh nhất qua truyền hình, mạng xã hội trực tuyến... Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt nói: “Hiện nay, các lực lượng cứu hộ, các đoàn cứu trợ đến miền Trung rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng lương thực, thực phẩm, chúng ta cần giáo dục y tế sức khỏe và có sự quan tâm đặc biệt đến những nguy cơ rất lớn về bùng phát dịch bệnh có thể phát sinh ở vùng lũ”.

Khi lũ rút đi, gần như các bệnh truyền nhiễm sẽ xuất hiện ở địa phương và nguy cơ trở thành các đợt dịch bệnh loang rộng, đặc biệt là bệnh lây truyền qua nguồn nước không sạch. Khát nước sạch giữa vùng nước mênh mông là tình cảnh người dân vùng lũ phải đối mặt. Việc cứu trợ bằng nhiều nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ trong thời gian bao lâu mới được đưa tới tay người dân, thực phẩm ẩm mốc, nhiễm khuẩn, quá hạn... đều rất nguy hiểm.

Dầm mình sinh hoạt trong lũ dài ngày khiến người dân kiệt quệ sức khỏe, những người mắc bệnh mạn tính bị cách ly trong lũ không được tiếp cận với thuốc khiến bệnh trở nên nặng hơn. Người dân ăn uống, nấu nướng trong các căn nhà ẩm mốc bị ngâm nước lâu ngày cũng là môi trường độc hại, hủy hoại hệ hô hấp.

Các chuyên gia y tế đánh giá, một điều ít ai nghĩ tới là phần lớn người dân vùng lũ sẽ chịu thêm một cơn tai biến nữa đó là vấn đề sức khỏe tâm thần sau lũ. Sự mất mát về người và của, nuối tiếc cuộc sống trước đây, hoặc lo lắng về sinh kế lâu dài đều ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, nguy cơ căng thẳng thần kinh trầm trọng dẫn tới nhiều hệ lụy. Chưa kể một số vấn đề về sức khỏe sinh sản rất thiết thực và thông thường, mà theo các y, bác sĩ là thực trạng rất “tế nhị” thường rất khó nói cũng sẽ trở thành vấn đề lớn sau lũ.

Danh mục các bệnh được dự đoán sẽ phát sinh sau lũ gồm có bệnh truyền nhiễm do véc-tơ (do chuột, côn trùng, muỗi) như tiêu chảy, sốt xuất huyết. Việc tập trung đông người ở các nơi tránh lũ, hoặc nhận hàng cứu trợ có nguy cơ bùng phát dịch bệnh hô hấp cấp. Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng khác phải kể đến như bệnh tai mũi họng vì sinh hoạt nước bẩn, viêm da, viêm kết mạc mắt, sởi, viêm màng não, uốn ván, bệnh lây qua xác động vật... Chính các lực lượng cứu hộ cần có kiến thức về các loại bệnh, các cơ sở y tế ở xã, phường, huyện cần nhận biết ngay lập tức các triệu chứng bệnh có thể phát triển thành dịch, hay không phát triển thành dịch để phòng ngừa ngay từ ban đầu. Việc cấp cứu thảm họa cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe người dân về lâu dài.

Trong bối cảnh lũ chồng lũ, thiên tai ập đến bất ngờ, khốc liệt, điều quan trọng nhất là mạng sống con người. Tuy nhiên, thứ bào mòn dần sức sống của cộng đồng dân cư vùng lũ lại không thể nhìn thấy ngay được.

Khi lũ rút đi, giai đoạn tiếp theo sẽ là mầm bệnh xuất hiện từ các vùng nước ngập đọng, xác súc vật chết bị thối rữa. Thực tế đã minh chứng, sau mưa, lũ lụt, các loại bệnh như bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, nước ăn chân... lan ra diện rộng có thể tạo thành dịch nguy hiểm. Sở Y tế các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng vừa triển khai phân bổ hóa chất khử khuẩn cho các đơn vị để phục vụ công tác khắc phục hậu quả. Không ai khác, các lực lượng tại chỗ cũng sẽ là những người sát cánh cùng người dân vượt qua giai đoạn hậu lũ khó khăn này.

Thúy Hằng - Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-cham-soc-suc-khoe-cong-dong-dan-cu-vung-lu-post434611.html