Tăng cường chăm lo trẻ em

Thời gian qua, công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em được tăng cường ở cộng đồng, nhận thức của người dân, phụ huynh, người chăm sóc trẻ về kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em được nâng lên. Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng các cấp được thành lập và củng cố, kiện toàn thường xuyên, giúp công tác phối hợp liên ngành được quan tâm thực hiện tốt hơn…

Hội Đồng Đội huyện An Phú trao học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn

Tỉnh An Giang có 435.484 trẻ em, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.250 em (872 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, 2.629 trẻ khuyết tật, 165 trẻ nhiễm HIV/AIDS…). Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), có 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật thuộc diện bảo trợ xã hội được hỗ trợ, chăm sóc tại cộng đồng; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định; 83% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 100% xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em”. Trong đó, mỗi huyện có ít nhất 1 xã, phường, thị trấn đạt 100% hộ gia đình có trẻ em đạt các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em”; giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do đuối nước…

An Giang đã có khoảng 2.745 hồ sơ trẻ em trên hệ thống DBMR (theo dõi và báo cáo đối tượng hưởng lợi trực tiếp), vượt kế hoạch so với số lượng phân bổ ban đầu (2.000 trẻ), trong đó Chợ Mới 1.093 trẻ, Châu Đốc 406 trẻ, Châu Phú 714 trẻ, An Phú 532 trẻ. Năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cuộc tham vấn xác minh nhu cầu giáo dục tại các trường đối với trẻ em đang đến trường để hỗ trợ giáo dục, như: sách, vở, quần áo đồng phục, bàn ghế… cho 1.538 trẻ.

Đồng thời, phối hợp tổ chức 1 trại hè cho 100 trẻ em thuộc nhóm đối tượng đích tại 4 huyện thuộc dự án, áp dụng phương pháp SCREAM vào các hoạt động tại trại hè huyện Tịnh Biên. Qua đó, giúp các em nắm được các kiến thức về lao động trẻ em, đặc biệt tạo môi trường cho các trẻ được giao lưu, học hỏi với nhau giữa các huyện thuộc dự án.

Tỉnh đã tổ chức hơn 250 cuộc truyền thông nhóm tại cộng đồng về phòng tránh xâm hại tình dục, phòng tránh đuối nước cho hơn 15.000 người là trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Năm 2020, có 1.872 cộng tác viên khóm, ấp tổ chức thăm trên 15.000 lượt hộ gia đình; trên 50.000 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em được nghe tuyên truyền trực tiếp về kiến thức bảo vệ trẻ em.

Từ hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phù hợp đến từng gia đình, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng dân tộc đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức rõ về quyền, bổn phận của trẻ em. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác của phụ huynh bảo vệ con em mình trước các hành vi, thủ đoạn xâm hại trẻ em. Ước tính có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và trên 60% người dân, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ biết đến kiến thức bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thời gian tới, An Giang tiếp tục duy trì hoạt động của văn phòng công tác xã hội huyện Tịnh Biên và Phú Tân. Đồng thời, phát triển và nâng chất các xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; củng cố 156 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, hơn 1.872 cộng tác viên khóm, ấp. Tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình trợ giúp trẻ em tại cộng đồng.

Trong đó, mô hình 1: “Trợ giúp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật” tại 3 xã thuộc huyện Phú Tân; mô hình 2: “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại” tại 10 xã thuộc huyện Châu Thành, Chợ Mới và TP. Châu Đốc; mô hình 3: “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực” tại 5 xã thuộc huyện Chợ Mới, Phú Tân và TP. Châu Đốc.

Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện “Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại 2 xã Vĩnh Xương và Tân An (TX. Tân Châu); 10 câu lạc bộ quyền trẻ em tại 7 huyện, thị xã, thành phố; phối hợp duy trì, triển khai nhân rộng 12 điểm tư vấn tại trường học thuộc TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn và TX. Tân Châu.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Các tháng đầu năm 2021, đường dây nóng 18008077 đã tiếp nhận hơn 300 cuộc gọi tư vấn về chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Luật Trẻ em, tư vấn về học tập thông qua những buổi truyền thông, tư vấn thông tin về tổng đài và các cuộc gọi để giải đáp thông tin cần biết khác. Trong khi đó, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em và mua bán người 111 đã tiếp nhận hơn 3.000 cuộc gọi liên quan đến trẻ bị bạo hành, bạo lực học đường, trẻ xin ăn, lao động trẻ em, tranh chấp về quyền nuôi con…

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-cham-lo-tre-em-a305207.html