Tăng cường can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

'Trong gần 13 nghìn cuộc gọi được đường dây nóng phòng chống mua bán người tiếp nhận từ tháng 10-2013 đến hết tháng 6-2018 mới chỉ có gần 300 ca can thiệp cho các nạn nhân. Điều này đặt ra yêu cầu cho giai đoạn 2 là bên cạnh việc tiếp nhận thông tin tố cáo thì làm thế nào để tăng cường hơn nữa số ca được can thiệp, xử lý tốt hơn'- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị triển khai Dự án Tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người diễn ra ngày 14-12 tại Hà Nội.

Xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, bào thai

Dẫn báo cáo của Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: “Từ năm 2010 đến hết quý 3 - 2018, toàn quốc phát hiện xảy ra 3 nghìn vụ mua bán người với 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7 nghìn nạn nhân. Trong đó đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai – đây là những vấn đề mới phát sinh trong nạn mua bán người”.

Trong bối cảnh tình hình mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nhu cầu về dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đang ngày càng tăng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: “Việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam”.

Theo đó, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện dự án “Thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam”. Dự án được triển khai từ tháng 7-2012 đến tháng 3-2016 với mục tiêu là tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111). Đồng thời mở rộng thêm chức năng phòng chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán.

Trong khuôn khổ dự án, tháng 10-2013, đường dây nóng phòng chống mua bán người đã được triển khai tại 3 tỉnh: Hà Nội, An Giang và Hà Giang. Đến hết tháng 6-2018, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 13 nghìn cuộc gọi. Trong đó có hơn 9 nghìn cuộc cung cấp thông tin, 3.500 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; can thiệp gần 300 ca cho các nạn nhân.

Ảnh minh họa: Việc tiếp nhận thông tin phòng chống mua bán người số điện thoại 18001567 sang số điện thoại 111 đang được triển khai và hoàn thiện

Thành lập đường dây nóng quốc gia phòng chống mua bán người

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tiễn triển khai cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều nạn nhân chưa được hưởng lợi từ đường dây nóng. Mức độ bảo vệ và hỗ trợ chưa đủ đối với các nạn nhân do sự phối hợp/ hợp tác chưa đủ chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan. Các dịch vụ của Trung tâm kết nối chỉ được cung cấp tại các địa phương sở tại, ngoài trừ Tổng đài Hà Nội. Đối với Trung tâm vùng tại Đà Nẵng, mới chỉ phát huy vai trò là đường dây trợ giúp trẻ em và rất hạn chế về kinh nghiệm cũng như cơ sở hạ tầng cho đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Tiếp nối những kết quả đạt được từ giai đoạn 1 của Dự án cũng như trên cơ sở khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, Bộ LĐ-TB&XH và JICA tiếp tục hợp tác thực hiện giai đoạn 2 của Dự án. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, giai đoạn 2 của Dự án sẽ hướng đến mục tiêu thành lập hệ thống Đường dây nóng quốc gia để góp phần vào việc tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới với các quốc gia lân cận trong hoạt động phòng, chống mua bán người.

“Hiện nay, 2 nhánh trung tâm cấp vùng của Đường dây nóng phòng chống mua bán người đã được thành lập tại Đà Nẵng và An Giang. Mạng lưới phòng chống mua bán người trên cả nước đã từng bước được xác lập. Sự kết nối thông tin và chia sẻ, chuyển tuyến dịch vụ được duy trì theo 3 vùng: Miền Bắc - Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ - Đồng bằng sông Cửu Long. Việc tiếp nhận thông tin của Đường dây nóng từ số điện thoại 18001567 sang số điện thoại 111 thống nhất trên cả nước cũng được triển khai và không ngừng được hoàn thiện”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin.

Theo đó hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án có thể tăng cường cơ cấu hợp tác hiệu quả cho “mạng lưới an toàn xã hội toàn quốc” để không có nạn nhân nào bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, các trung tâm vùng có thể theo dõi các nạn nhân thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các bộ/ngành liên quan sau khi chuyển tiếp; các trung tâm vùng được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ chất lượng được cung cấp với các nhân viên tư vấn.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-can-thiep-ho-tro-nan-nhan-bi-mua-ban-130572.html