Tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cả nước hiện đã đạt 86,9%, gần tiến mốc BHYT toàn dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh mệnh giá BHYT vẫn thấp, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, việc đảm bảo cân bằng và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT là vấn đề được cơ quan quản lý quan tâm.

Tại phiên họp về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, đến hết năm 2017, số người tham gia BHYT là 79,9 triệu người, tăng khoảng 4 triệu người so với năm 2016, đạt tỷ lệ 100,1% so với kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số.

Mức hưởng về quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT ngày càng được nâng cao.

Tất cả các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016. Trong đó có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số; 24 tỉnh thành phố đạt tỷ lệ bao phủ 82,2% dân số; 17 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ dưới 82,2% dân số.

Kết quả trên cho thấy, việc mở rộng bao phủ BHYT đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đây là kết quả của nhiều giải pháp quan trọng do Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các địa phương đã thực hiện như huy động nguồn lực hỗ trợ tham gia BHYT, tăng cường công tác truyền thông, quản lý và sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Tuy nhiên, về vấn đề cân đối Quỹ BHYT, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, số chi khám chữa bệnh BHYT lớn hơn số thu khoảng 8.847 tỉ đồng; dự kiến năm 2018, con số chênh lệch sẽ vào khoảng 3.528 tỉ đồng. Số tăng chi sẽ tăng nhanh hơn nữa, khi giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tính đầy đủ chi phí theo lộ trình, kết cấu thêm cả chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHYT hiện nay, đó là mức đóng BHYT không thay đổi, trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng, phạm vi quyền lợi BHYT, thông tuyến và điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình.

Về tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, trong năm qua, Bộ Y tế đã tăng cường chấn chỉnh, kiểm soát; song vẫn còn tồn tại nhiều biểu hiện như: Chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn, chưa tính đến yếu tố chi phí - hiệu quả; chỉ định sử dụng một số dịch vụ xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa cần thiết, chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền trong phục hồi chức năng; cho người bệnh nhập viện điều trị khi tình trạng bệnh có thể điều trị ngoại trú...

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Năm 2017, sau khi tất cả các tỉnh thực hiện đầy đủ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương, hầu hết các tỉnh đều bội chi quỹ BHYT. Ông Sơn cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; quy định về quỹ khám chữa bệnh BHYT được xác định theo số thẻ đăng ký ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh và cân đối với cả phần chi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế khác, tuy nhiên đến nay đã không còn phù hợp khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng thuận lợi, quyền lợi hưởng BHYT ngày càng được mở rộng, giá dịch vụ y tế tăng trong khi mức đóng BHYT chưa thể điều chỉnh.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, cơ chế tự chủ tài chính tạo sức ép lớn đối với các cơ sở y tế. Việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ y tế; chỉ định bệnh nhẹ vào nội trú và kéo dài thời gian nằm viện xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, đặc biệt là tuyến huyện; giá thuốc và vật tư y tế chưa được kiểm soát tốt; tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc cùng tiêu chí kỹ thuật, khác hàm lượng có giá cao bất thường; lựa chọn vật tư y tế đắt tiền còn phổ biến.

Trong khi đó, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị chưa ban hành đầy đủ, không rõ ràng, nên thiếu các công cụ kiểm soát, đánh giá tính hợp lý của chỉ định điều trị, khó cho sự đồng thuận của cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh.

Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, sử dụng thẻ BHYT đi khám nhiều nơi trong ngày, nhiều ngày trong tháng xảy ra khá phổ biến, nhưng chưa có chế tài để xử lý. Các cơ sở y tế chưa tuân thủ việc ứng dụng công nghệ thông tin để chia sẻ kết quả xét nghiệm, kiểm soát thông tuyến, tình trạng chỉ định trùng lặp xét nhiệm, thuốc diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi chỉ rõ, hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 86,9%, gần tiến mốc BHYT toàn dân, tuy nhiên, trong bối cảnh mệnh giá BHYT vẫn thấp, nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, quỹ BHYT đang đứng trước thách thức về khả năng mất cân bằng.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT cần tiết kiệm một cách hợp lý và theo đúng các quy định của pháp luật. Luật BHYT 2014 cũng mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT nhưng cũng tác động không nhỏ đến quỹ BHYT, khiến số chi từ quỹ BHYT tăng lên và khó khăn hơn trong kiểm soát chi phí với các chính sách thông tuyến, giảm cùng chi trả và bỏ cùng chi trả với một số nhóm đối tượng. Đây là những vấn đề các nhà hoạch định chính sách cũng như cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách cần phân tích, xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tới.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-cac-giai-phap-quan-ly-su-dung-hieu-qua-quy-bhyt-78762.html