Tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 12871/UBND-VX về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi của tỉnh bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong tại các khu đô thị và các tỉnh, thành phố lớn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi của tỉnh bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong trên đường phố, nơi có mật độ giao thông cao, các điểm du lịch, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền trẻ em, quyền con người, gây bức xúc trong dư luận xã hội vẫn còn diễn ra tại một số địa phương. Thực hiện Công văn số 3284/BLĐTBXHTE ngày 21/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để giải quyết tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Giao các sở, ngành: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp triển khai thực hiện:

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang ăn xin, bán hàng rong trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.

- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền của các đối tượng yếu thế và pháp luật về trợ giúp xã hội như: Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Công văn số 1722/UBND-VX ngày 17/02/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em trên địa bàn tỉnh phải bỏ học kiếm sống và trẻ em bị lợi dụng, bóc lột sức lao động; Công văn số 8068/UBND-VX ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật, người cao tuổi và trợ giúp đối với các đối tượng yếu thế,...

- Tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang ăn xin, bán hàng rong (nếu có). Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn, bán hàng rong hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Tiếp nhận các tin báo, tố giác về các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng lang thang xin ăn, bán hàng rong không có nơi cư trú ổn định và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để lập danh sách, xác minh nhân thân, hoàn cảnh của đối tượng trên địa bàn tỉnh, đối tượng lang thang xin ăn, bán hàng rong tại các địa phương hoặc từ các địa phương khác đến tỉnh Thanh Hóa, để có phương án xử lý, giải quyết kịp thời.

- Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc tiếp nhận, quản lý các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19.

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp, định kỳ (hoặc đột xuất) báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo; tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, giải quyết những nội dung, trách nhiệm thuộc thẩm quyền được giao.

3. Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện công tác kiểm tra, làm rõ tình hình sức khỏe của trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn tỉnh, trường hợp phát hiện trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 thì thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị theo quy định.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh rà soát, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em bỏ học kiếm sống; trẻ em có nguy cơ cao bỏ học kiếm sống như: trẻ em sống trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ; trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đều đi làm ăn xa; trẻ em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật hoặc có người mắc tệ nạn xã hội để có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời (hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập,…) nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong trên đường phố, quán ăn, khu du lịch.

5. Công an tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức rà soát địa bàn; điều tra, phát hiện, xác minh các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Đề nghị Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh: tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên và nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các trường hợp lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong; đồng thời quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố - Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn quản lý (nếu có).

- Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối cấp huyện để thực hiện việc tiếp nhận các tin báo, tố giác về các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn, bán hàng rong; công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các cơ quan, đơn vị và người dân được biết.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, xác minh nhân thân, hoàn cảnh của đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn để đưa đối tượng về gia đình, nơi cư trú, thực hiện chính sách trợ giúp xã hội phù hợp để giảm bớt khó khăn, yêu cầu gia đình, người thân có cam kết không để tái diễn tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên đường phố, nơi công cộng.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, kiểm tra địa bàn quản lý, nắm bắt tình hình, đời sống nhân dân; kịp thời phát hiện và chuyển các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong không có nơi cư trú ổn định vào các khu cách ly phòng dịch COVID-19; phối hợp với các cơ sở y tế kiểm tra, làm rõ tình hình sức khỏe của đối tượng, bảo đảm chắc chắn không nhiễm SARS-CoV-2 thì chuyển về cơ sở trợ giúp xã hội. Trường hợp đối tượng bị nhiễm SARS-CoV2 thì phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công tác kiêm nhiệm, bố trí đủ nhân lực, phương tiện và công cụ để tập trung giải quyết triệt để các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong trên địa bàn. Đồng thời, quản lý những trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong sau khi được hồi gia về địa phương, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống. Tập trung các giải pháp giảm nghèo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐCP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, giúp đỡ và không để các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi trên địa bàn phải đi lang thang xin ăn, bán hàng rong hoặc bị dụ dỗ, ép buộc xin ăn, bán hàng rong. Công bố số điện thoại, niêm yết công khai để thường xuyên tiếp nhận thông tin và phối hợp giải quyết các trường hợp trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn, bán hàng rong dưới mọi hình thức.

- Xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi thuộc địa bàn quản lý bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc phải lang thang xin ăn, bán hàng rong trên đường phố, nơi công cộng cả trong và ngoài tỉnh. Căn cứ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nêu trên, các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có các phát sinh, vướng mắc kịp thời phản ánh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý, giải quyết theo quy định./.

PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-tinh-trang-tre-em-nguoi-khuyet-tat-nguoi-cao-tuoi-bi-loi-dung-du-do-ep-buoc-lang-thang-xin-an-ban-hang-rong/124431.htm