Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

* Các địa phương tập trung ứng phó dịch cúm gia cầmBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa ban hành Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Theo đó, đề nghị các bộ, ngành và địa phương có rừng rà soát kỹ phương án PCCCR; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng. Tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn. Bảo đảm lực lượng ứng trực 24 giờ/ngày; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Đồng thời, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCCR…

* Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum tình trạng nắng nóng, khô hanh xảy ra trên diện rộng, đây cũng là thời kỳ người dân trên địa bàn tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, nhất là đối với diện tích rừng mới trồng, vườn cây cao-su.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tám trong số 10 huyện, thành phố trong tỉnh đang có rừng ở mức báo động cháy cấp 4. Một số huyện có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như: Sa Thầy, Ia Hdrai, Ngọc Hồi… Để chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm như: Bố trí trực PCCCR 24 giờ/ngày; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy lớn; xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của từng đơn vị, địa phương; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR đến các tầng lớp nhân dân, vận động mọi người tham gia bảo vệ và PCCCR…

* UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 553/UBND-KT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo đó yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng công an, quản lý thị trường và các ngành, đơn vị trực thuộc có liên quan tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng...

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hải Dương cho biết, để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, hiện tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; đồng thời, tiêu độc khử trùng tại các địa điểm, nhất là những khu vực nguy cơ cao...

* Để ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan: Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả việc chống dịch theo các nội dung tại công điện của Bộ NN và PTNT, công văn của Thủ tướng Chính phủ. Địa phương nào chủ quan, lơ là trong việc để dịch phát sinh, lây lan thì người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 179 xã, phường, thị trấn (chiếm 83,6% số xã, phường, thị trấn) công bố hết dịch tả lợn châu Phi; 34 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết, đang hoàn thiện các thủ tục để công bố hết dịch.

* UBND thành phố Cần Thơ vừa làm việc với các sở, ngành hữu quan về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm. Hiện, Sở NN và PTNT TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin cúm gia cầm năm 2020 trên địa bàn. Theo đó, chia làm ba đợt trong năm: Đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3; đợt 2 từ tháng 5 đến tháng 7; đợt 3 từ tháng 9 đến tháng 11. Đối tượng tiêm là các đàn gà, vịt, ngan từ 14 ngày tuổi trở lên, sau bốn tháng tiêm nhắc lại một lần. Các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô dưới 2.000 con/hộ sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng từ ngân sách thành phố.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến và triển khai các biện pháp phòng dịch. Ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi-rút mới nguy hiểm xâm nhiễm và lây lan diện rộng, tổ chức tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Xây dựng các vùng, các chuỗi sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh...

* UBND tỉnh An Giang vừa ra quyết định về việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch trên gia súc và nếu có phải báo cáo kịp thời tình hình diễn biến dịch bệnh phát sinh mới trên địa bàn.

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 20-3, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng từ 3 đến 4 đợt không khí lạnh. Tuy nhiên, do thời kỳ chính đông đã qua nên cường độ các đợt không khí lạnh đều giảm, chỉ gây rét một vài ngày, ít có khả năng rét đậm. Do bước vào thời kỳ giao mùa, tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa rào và dông. Cần chú ý đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh...

* Khoảng 7 giờ ngày 23-2, công trình trên đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc (thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tiếp tục bị sụt lún. Theo UBND xã Khánh Bình Tây, trong tổng chiều dài 90 m bị sụt, có khoảng 60 m mặt đê bị sụt sâu từ 1,2 đến 1,8 m, còn lại bị sụt lún từ 0,5 m đến 0,7 m. Trong khi chờ làm rõ nguyên nhân vụ việc và mức độ thiệt hại, cơ quan chức năng tạm thời rào chắn, cắm biển cảnh báo người tham gia giao thông không được lưu thông qua khu vực này.

* Sáng 23-2, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng, Tổ cấp cứu hàng không của đơn vị vừa thực hiện chuyến bay đưa hai ngư dân gặp nạn trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) về đất liền cấp cứu. Theo đó, chiều tối 22-2, đơn vị nhận được thông tin có ngư dân gặp nạn khi khai thác hải sản trên ngư trường Trường Sa, bị suy đa tạng cần trợ giúp y tế khẩn cấp. Ngay sau đó, ê-kíp cấp cứu cùng với đội bay đã lên trực thăng EC225 bay ra Trường Sa, đến 23 giờ cùng ngày tiếp cận bệnh nhân đầu tiên là Nguyễn Kim Phi, có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống. Sau khi sơ cứu tại chỗ, đã đưa bệnh nhân về đất liền điều trị. Sau đó, trực thăng EC225 bay tiếp đến đảo Sinh Tồn để đưa người bệnh Nguyễn Chàm (SN 1986, làm nghề lặn biển) về đất liền chữa trị. Trước đó, do lặn sâu hơn 25 m trong thời gian hơn 1 giờ và đột ngột nổi lên, anh Chàm mắc hội chứng giảm áp mức độ nặng, được đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn sáng 22-2 nhưng tình trạng bệnh ngày càng xấu, suy đa tạng kèm biểu hiện liệt tứ chi.

* Ngày 23-2, Đồn Biên phòng Triệu Vân thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, sáng cùng ngày, Đồn nhận được tin báo từ tàu cá mang số hiệu QB - 92967, có 10 thuyền viên, trên đường cập cảng Cửa Việt bị gãy bánh lái, mắc cạn tại luồng vào. Đồn đã huy động tàu QT - 91414 cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ lai dắt tàu QB - 92967 vào bờ an toàn lúc trưa cùng ngày.

Hàng nghìn héc-ta cây trồng tại Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu nước

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tuần qua, lượng mưa phổ biến tại Nam Trung Bộ (từ Quảng Ngãi đến Phú Yên) ở mức 10 đến 40 mm. Lượng mưa thấp, dung tích các hồ chứa thủy lợi cũng đang giảm trên cả nước, nguồn nước không thuận lợi khiến khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có khoảng 1.392 ha sản xuất nông nghiệp (1.157 ha lúa, 235 ha cà- phê) tại một số tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Lắk..., thiếu nước.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43365802-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chay-chua-chay-rung.html