Tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại

Sáng 24-10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại tại Thanh Hóa.

Đại biểu tham luận tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện một số sở, ngành của tỉnh; đại diện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh; các bệnh viện, phòng y tế và Trung tâm Y tế 27 huyện, thị xã, thành phố...

Thanh Hóa có số lượng đàn chó tương đối lớn, ước khoảng trên 300.000 con, lại nằm trong vùng dịch lưu hành và là một trong 14 tỉnh nguy cơ cao nhất cả nước. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh dại; công tác phòng, chống bệnh dại đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo triển khai. Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6-7-2017; Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 13-2-2017 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại trên động vật giai đoạn 2019-2021 và nhiều văn bản chỉ đạo khác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai một số hoạt phòng chống bệnh dại cả trên người và động vật như công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế chuyên trách, truyền thông, hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí cho đối tượng chính sách và 1 phần tiêm vắc xin cho động vật theo vùng kinh tế khó khăn, nguy cơ…

Tuy nhiên do ý thức của người dân vẫn duy trì tình trạng thả rông chó, không tự giác tiêm phòng dại cho chó mèo theo đúng qui định gây khó khăn cho công tác phòng chống bệnh dại tại địa phương. Cấp ủy chính quyền 1 số địa phương chưa nhận thức được sự nguy hiểm và mức độ ảnh hưởng đến dư luận xã hội, kinh tế của bệnh dại, không thật sự quyết liệt, thiếu hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh dại. Trong giai đoạn từ 2011-2019 toàn tỉnh đã ghi nhận 26 trường hợp tử vong do bệnh dại, 9 tháng đầu năm 2019 đã có 1 ca tử vong tại huyện Như Xuân, có đến 60% trong số tử vong là trẻ em...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận về tình hình bệnh dại ở người tại Việt Nam và các khó khăn, thách thức trong phòng chống bệnh dại ở người; Tình hình bệnh dại ở động vật và các giải pháp phòng chống bệnh dại của ngành thú y; Tình hình bệnh dại ở người tại tỉnh Thanh Hóa và các giải pháp phòng chống bệnh dại của ngành Y tế; Kinh nghiệm trong phòng chống bệnh Dại tại địa phương; Truyền thông trong phòng chống bệnh dại và một số bài học kinh nghiệm tại địa phương; Các khó khăn, thách thức trong kiểm soát bệnh dại từ động vật sang người tại tuyến cơ sở. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp để áp dụng tại các địa phương, như: công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa Y tế, Nông nghiệp và giáo dục; sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt từ UBND các cấp trên địa bàn... Từ đó, sẽ phối hợp triển khai tốt các biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn tiếp theo, góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2021.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/tang-cuong-cac-bien-phap-lien-nganh-phong-chong-benh-dai/109387.htm