Tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường góp phần phát triển kinh tế biển

Tỉnh ta có vùng biển đảo và ven biển dài, rộng lại có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng. Hiệu quả từ kinh tế biển mang lại là rất lớn, đặc biệt là trong khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, vùng biển đảo và ven biển của tỉnh đang đứng trước những thách thức về môi trường và cạn kiệt tài nguyên cần có những giải pháp cấp thiết cũng như lâu dài để bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển kinh tế biển.

Với chiều dài 102 km bờ biển, dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy, cho tàu thuyền đánh cá ra vào, neo đậu, giao lưu kinh tế và phát triển nghề cá của tỉnh. Đặc biệt, vùng cửa lạch và ven biển là những bãi bồi, bùn, cát rộng hàng ngàn ha thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng gió và sản xuất muối... Đáy biển vùng gần bờ của tỉnh có độ dốc thoải và bằng phẳng, lại có một số vịnh là điều kiện thuận lợi, tạo thành nơi sinh cư của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá thu, cá đé, tôm he, tôm sú, mực nang, mực ống... Ngoài ra, nhiều bãi biển đẹp, như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa đã và đang góp phần phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, quan trắc của ngành chức năng, hiện nay, hệ sinh thái biển đảo và ven biển tỉnh ta đang có chiều hướng xuống cấp hoặc bị biến đổi do tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, nghề đánh bắt cá ven bờ đang khai thác quá mức, có tính hủy diệt đang đe dọa nghiêm trọng đối với tài nguyên vùng biển đảo và ven biển. Cùng với đó, các hoạt động trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, như: Cung cấp các dịch vụ sinh hoạt, nước đá, xăng dầu, sửa chữa, đóng mới tàu cá... cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển, gây thiệt hại cho việc đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản, du lịch...

Trước nguy cơ suy thoái môi trường vùng biển, ven biển, thời gian qua, các cấp, ban, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân ven biển về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với phát triển kinh tế biển, nâng cao chất lượng sống; nghiêm cấm khai thác bừa bãi các vùng ven sông, biển... cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nhờ vậy, nhiều địa phương, như: TP Sầm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia đã xây dựng được vùng biển sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch trong lành và sạch đẹp. Nhiều địa phương lấy phát triển kinh tế biển làm mũi nhọn, xây dựng chiến lược trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên biển và hạn chế đến mức thấp nhất sự ô nhiễm dải ven biển, bảo đảm sự phát triển kinh tế trong đa dạng sinh thái biển, đảo.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển, với mỗi năm có hàng trăm mẫu trầm tích đáy, nước biển ven bờ và sinh vật biển... được lấy để phân tích, đánh giá. Việc làm này đã đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường vùng biển, ven biển của tỉnh; xác định được xu thế diễn biến chất lượng môi trường vùng biển, ven biển; kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm môi trường và các sự cố ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển, trên cơ sở đó đề xuất phương án phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ TN&MT biển, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Được biết, trong năm 2018, chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển được chia thành 4 đợt. Trong đó, sẽ lấy tổng số 36 mẫu quan trắc trầm tích đáy, nước biển ven bờ và sinh vật biển ở 12 vị trí thuộc các khu nuôi hải sản tập trung huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Tĩnh Gia trong mỗi đợt quan trắc. Tần suất quan trắc khu vực này là 6 lần/năm. Đối với quan trắc môi trường tại các cửa sông sẽ lấy 5 mẫu trầm tích đáy/1 đợt quan trắc. Tại khu vực cảng biển, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão sẽ lấy 28 mẫu trầm tích đáy, 22 mẫu nước biển ven bờ, 22 mẫu sinh vật biển và 10 mẫu không khí trong mỗi đợt quan trắc... Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện quan trắc 3 đợt lấy tổng số hơn 460 mẫu phân tích, gồm: Mẫu nước biển ven bờ, trầm tích đáy, sinh vật biển, không khí... tại các khu vực nói trên. Kết quả này đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh nhà phát triển bền vững.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/brvmdz/new-article.aspx