Tăng công khai, minh bạch để nâng cao chỉ số PAPI

Với quyết tâm đưa Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào nhóm trung bình của các tỉnh, thành phố, trong năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch và triển khai quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị. Trong đó, nhấn mạnh đến việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách và tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.

Theo kết quả chấm điểm PAPI năm 2018 vừa được công bố, Hà Nội đạt 42,43 điểm và không còn nằm trong top địa phương thấp điểm. Có được kết quả đáng khích lệ này là nhờ Thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 69 nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội năm 2018.

Chỉ số PAPI năm 2018 của Hà Nội đạt 42,43 điểm và không còn nằm trong top địa phương thấp điểm.

Chỉ số PAPI năm 2018 của Hà Nội đạt 42,43 điểm và không còn nằm trong top địa phương thấp điểm.

Các cơ quan, đơn vị đã khẩn trương vào cuộc cùng những giải pháp phù hợp thực tiễn; gắn với thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, tập trung nâng cao 6 chỉ số nội dung của PAPI gồm: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Theo đánh giá của UBND Thành phố sau một năm triển khai đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Trong đó, để tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại cộng đồng, hội nghị đại biểu Nhân dân các tổ dân phố đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về Quy chế dân chủ cơ sở, các văn bản pháp luật, trợ giúp pháp lý... Đồng thời, các xã, phường cũng tăng công khai những nội dung chủ yếu liên quan đến dân sinh.

Cụ thể như trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã công khai lấy ý kiến người dân, các tiêu chí để Nhân dân được biết, kiểm tra và giám sát. Việc công khai các nội dung thu - chi ngân sách cấp xã; quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện, thị xã đã được tăng thêm các hình thức như niêm yết, phát trên cổng thông tin điện tử…

Đặc biệt, ngoài các cuộc tiếp dân, tiếp xúc cử tri định kỳ, chính quyền các cấp cũng tạo điều kiện để Ban Thanh tra Nhân dân giám sát lực lượng bảo vệ dân phố thực hiện mô hình khoán quản trong công tác quản lý trật tự đô thị tuyến đường, phố trên địa bàn; giám sát việc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình đối với các hộ xây dựng nhà ở riêng lẻ… Qua đó đã nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp, các ngành.

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cũng là một trong những chỉ số thành phần Hà Nội tập trung để tiếp tục “nâng bậc”. Trong đó, năm 2018 Thành phố đã tổ chức 313 lớp, hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng với khoảng 41.380 lượt người tham gia; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của 1.087 cán bộ, công chức, viên chức về phòng ngừa tham nhũng.

Thành phố cũng tiếp tục duy trì việc gửi, nhận 100% văn bản, tài liệu điện tử trong giao dịch hành chính điện tử (trừ văn bản mật); triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung cung cấp các dịch vụ công mức 3 và 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận huyện, 584 xã, phường, thị trấn; tiến hành thử nghiệm hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên toàn địa bàn Thành phố đến nay đạt 55%.

Đáng chú ý, trong năm qua, Hà Nội đã triển khai 376 cuộc thanh tra tập trung vào các lĩnh vực quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý tài chính, tài sản công… Qua đó, kiến nghị thu hồi 178,896 tỷ đồng, kiến nghị xử lý vi phạm 3,3ha đất, kiểm điểm trách nhiệm 42 tập thể và 75 cá nhân có vi phạm, đã chuyển cơ quan điều tra 1 cuộc.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng Thành phố đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của 646 cơ quan, tổ chức, đơn vị… qua đó tiết kiệm hàng chục tỷ đồng trong việc giải quyết thủ tục cho người dân. Cùng với đó, Thành phố cũng tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng các dịch vụ công ích thiết yếu cấp cơ sở như y tế, giáo dục, chiếu sáng, nước sạch… tạo ra sự đột phá, nâng các chỉ số.

Để tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, trong năm 2019, Hà Nội tiếp tục xác định 6 nội dung chính tương ứng với 6 tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI; gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2019 “Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, thực hiện đúng, đủ các nội dung công khai; phát huy dân chủ, tạo môi trường, điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, được giám sát, được quyết định…

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cong-khai-minh-bach-de-nang-cao-chi-so-papi-90375.html