Tặng chuyến bay miễn phí cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam, Masan có đang 'chơi trội'?

Wakeup 247 của Masan đã tổ chức những chuyến bay miễn phí để người hâm mộ cổ vũ đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư hàng tỷ đồng khi thị trường cận Tết liệu có ổn?

Nhằm tiếp lửa cho đội tuyển Việt Nam trong trận tứ kết giải đấu ASEAN Cup 2019 với đội tuyển Nhật Bản vào ngày 24/1/2019, ngày 22/1, nhãn hiệu Nước tăng lực vị cà phê wake-up 247 thông báo đã mời người thân trong gia đình của tất cả các tuyển thủ Quốc gia Việt Nam bay miễn phí sang UAE cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận này trên chuyên cơ Airbus A350 mang số hiệu HAN-DXB VN9885 0730-1215lt (0030Z-0815Z).

Ngoài ra, nhãn hiệu nước tăng lực này còn dành cơ hội may mắn cho 50 cổ động viên trên toàn lãnh thổ Việt Nam bay miễn phí bằng chuyên cơ Airbus A350, tới cổ vũ trực tiếp cho đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Baner quảng cáo của wake-up 247.

Baner quảng cáo của wake-up 247.

Nước tăng lực vị cà phê wake-up 247 là sản phẩm của Masan Consumer (“MSC”) - một trong những công ty con của Tập đoàn Masan, hiện đang sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống, bao gồm các mặt hàng gia vị (nước mắm, nước tương, tương ớt), hàng thực phẩm tiện lợi (mì ăn liền, bữa ăn sáng tiện lợi), và các sản phẩm đồ uống (cà phê hòa tan, ngũ cốc hòa tan, nước khoáng và nước tăng lực).

Công ty bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2000. Masan Consumer đã tung ra thị trường những sản phẩm là Chin-su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Vinacafé, Vĩnh Hảo và Wake-up 247. Đây cũng là thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang cận kề, nếu thành công, chiến dịch lần này của Masan sẽ là cú hích trong việc quảng bá thương hiệu cho tập đoàn này. Tuy nhiên cũng có nhiều nghi ngại đặt ra cho chiến dịch của Masan.

Về Tập đoàn Masan, khởi đầu từ một công ty gia vị vào năm 1996, Masan đã từng bước vươn mình trở thành đơn vị kinh doanh thực phẩm nói chung những năm 2000-2002. Năm 2009, Masan niêm yết trên HoSE với lãi ròng lúc bấy giờ chỉ đạt 660 tỷ. Một năm sau con số này chính thức vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Năm 2012, thị phần nước tương, nước mắm, mì ăn liền cao cấp của Masan tại thị trường Việt Nam lần lượt là 78%, 76% và 48%. Thậm chí, sau thương vụ mua lại mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên), Masan đã bổ sung 1 mảnh ghép mới vào bức tranh kinh doanh.

Năm 2017, khủng hoảng giá heo kéo dài cùng với ảnh hưởng của công tác giảm hàng tồn kho, giảm chi phí khuyến mãi khiến doanh thu doanh nghiệp giảm đáng kể, đạt 37.621 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh giảm dần qua các năm, riêng 2017 doanh thu thuần chỉ đạt 37.621 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lãi ròng mặc dù ghi nhận vượt chỉ tiêu, song chủ yếu nhờ vào khoản lãi từ bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank.

Tình hình Kinh doanh của Masan đang không được "xuôi chèo mát mái".

Trong 1 diễn biến khác, ngày 22/3/2018, 18 triệu cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan đã được chuyển nhượng từ quỹ ngoại MRC Ltd sang cho 8 nhà đầu tư khác thông qua Trung tâm lưu ký Chứng khoán. Trong đó 4 quỹ ngoại thuộc quản lý của Dragon Capital nhận về 7,5 triệu cổ phiếu.

Động thái này gây chú ý bởi Dragon Capital (năm 2010, Masan thông qua Masan Horizon mua lại 70% cổ phần tại Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital), từng là một trong những cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan nhưng đã bán hết cổ phiếu này vào năm 2016 – đúng quãng thời gian MSN rơi xuống đáy – và sau 2 năm, mua lại khi cổ phiếu đang trên đường chinh phục đỉnh lịch sử.

Một số chỉ tiêu tài chính đáng quan tâm khác, tiền và các khoản tương đương tiền tập đoàn giảm gần một nửa còn 8.057 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2017. Mức giảm này chủ yếu do doanh thu và lợi nhuận giảm, cùng một số khoản chi tiền mặt lớn bao gồm chia trả cổ tức, mua lại cổ phiếu quỹ và trả các khoản vay được bù đắp bởi khoản thu (từ khoản huy động vốn từ KKR nhằm bán cổ phần MNS hay bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank).

Theo đó, cùng với mức giảm đầu tư vào công ty liên kết do việc bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank khiến tổng tài sản MSN giảm 13% còn 63.529 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu MSN giảm khá mạnh, hiện đang giao dịch tại mức thấp so với đỉnh hồi niêm yết là 78/000 đồng/cp.

Quay trở lại những suất vé máy bay miễn phí như đã nói ở trên, rõ ràng Masan đang mạnh tay chi. Tuy nhiên, soi chiếu với hoạt động kinh doanh những năm qua của đơn vị này chưa phải ở mức đỉnh để doanh nghiệp "bạo chi" như vậy. Việc đầu tư vào chính sản phẩm là phương thức quảng bá lâu dài, tuy nhiên, việc chi nhiều hay ít cho các kênh truyền thông tùy vào quan điểm cũng như khả năng của từng doanh nghiệp đó.

Nguyễn Huệ

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tang-chuyen-bay-mien-phi-co-vu-doi-tuyen-bong-da-viet-nam-masan-co-dang-choi-troi-d154273.html