Tăng 'chóng mặt' trong 8 năm, Bắc Ninh sắp vượt TP.HCM về xuất khẩu

Từ chỗ chỉ bằng 1/10 TP.HCM, sau 8 năm giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh chỉ còn kém 1,1 tỷ USD. Cũng trong thời gian trên, Bắc Ninh đã vượt qua Bình Dương và Đồng Nai – những tỉnh nổi tiếng với các khu chế xuất, khu công nghiệp lớn.

Thông tin trên được đưa ra trong bài tham luận của ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM tại hội nghị về tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn TP, tổ chức ngày 17/10.

Biểu đồ thể hiện giá trị xuất khẩu của 5 tỉnh lớn nhất nước tính đến năm 2018

Biểu đồ thể hiện giá trị xuất khẩu của 5 tỉnh lớn nhất nước tính đến năm 2018

Theo số liệu ông Hòa tổng hợp, vào năm 2010, TP.HCM xuất khẩu đạt 22,47 tỷ USD, lúc này Bắc Ninh chỉ đạt 2,45 tỷ USD. Đến năm 2013, TP.HCM đạt 29,8 tỷ USD trong khi Bắc Ninh tăng gần 10 lần, đạt 21,97 tỷ USD.

Ba năm tiếp theo giá trị của cả hai nơi gần như đi ngang, trong khi TP.HCM tăng lên 30,61 tỷ USD thì Bắc Ninh cũng chỉ tăng nhẹ lên 22,14 tỷ USD. Tuy nhiên từ 2016 – 2018, Bắc Ninh tiếp tục có tăng trưởng đột phá, giá trị xuất khẩu đạt 36,97 tỷ USD, trong khi TP.HCM cũng tăng lên 38,07 tỷ USD.

Như vậy trong vòng 8 năm, giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh chỉ còn kém TP.HCM 1,1 tỷ USD, trong khi con số này ở năm 2010 là 20,2 tỷ USD. Cũng trong thời gian trên, Bắc Ninh đã vượt qua Bình Dương và Đồng Nai.

Một “ngôi sao” mới nổi khác được đề cập là Thái Nguyên. Trong 8 năm tỉnh này đã tăng giá trị xuất khẩu từ 0,10 tỷ USD lên đến 24,94 tỷ USD. Tính đến năm 2018, Thái Nguyên cũng đã vượt qua Bình Dương (24,03 tỷ USD) và Đồng Nai (18,39 tỷ USD) để giữ vị trí thứ 3 trong danh sách 5 tỉnh xuất khẩu nhiều nhất nước, chỉ sau TP.HCM và Bắc Ninh.

Toàn cảnh hội nghị

Để tăng giá trị xuất khẩu và giữ vững vị trí “đầu tàu” trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng TP.HCM cần lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, đồng thời chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ các loại “hàng hóa vô hình” (phầm mềm, sản phẩm nội dung số…)

Ngoài ra cần đẩy mạnh liên kết vùng, chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt cần tái cơ cấu thị trường, tận dụng tốt thị trường của các quốc gia đã ký kết những hiệp định thương mại tự do…

Tuy nhiên, TP cũng cần cân đối giữa mục tiêu dài hạn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, với mục tiêu ngắn và trung hạn là giữ vững và tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo thu ngân sách.

Cũng tại hội nghị này, tiến sĩ Đinh Công Khải (Viện trưởng Viện Chính sách công - Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định cả quy mô và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP ngày càng giảm so với cả nước.

Đặc biệt, các mặt hành của TP.HCM đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Nhưng đến nay xuất khẩu TP vẫn tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược.

Từ đó tiến sĩ Khải cho rằng, TP cần "cấp bách" nhận dạng lại bức tranh chung về xuất khẩu, trong đó đánh giá lại một cách có hệ thống và khoa học nền tảng cho xuất khẩu, sự gắn kết của xuất khẩu với các vùng lân cận, từ đó định vị nhóm ngành/sản phẩm mà TP cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới.

Phong Vũ

Từ khóa: chiến tranh thương mại doanh nghiệp TPHCM xúat khẩu TPHCM kim ngạch xuất khẩu tphcm

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tang-chong-mat-trong-8-nam-bac-ninh-sap-vuot-tphcm-ve-xuat-khau-post317121.info