Tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT: Tăng cơ hội đỗ?

Hiện nay, nhiều trường đã công bố việc điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu phương thức xét học bạ THPT theo hướng giảm, tăng chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp tình hình.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cho biết: Nhà trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Việc điều chỉnh có thể hạ chỉ tiêu xét học bạ THPT từ 40% xuống còn 20 - 30% và nâng chỉ tiêu phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 40% lên 60 - 70% cho phù hợp tình hình.

Trường ĐH Mở TPHCM cũng thông báo điều chỉnh chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển học bạ THPT theo hướng thấp xuống, gia tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT 2020. Cụ thể, chỉ tiêu dành cho phương thức xét học bạ THPT công bố trong đề án tuyển sinh là 70% nay điều chỉnh xuống còn 30%, phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT từ 30% điều chỉnh lên 70%.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (tổng chỉ tiêu hơn 6.000) đã điều chỉnh chỉ tiêu xét học bạ THPT từ 50% xuống còn 20%, nâng chỉ tiêu phương thức xét bằng điểm thi từ 50% lên thành 70 - 80% (còn lại dành cho tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển).

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng thông báo còn hơn 2.000 chỉ tiêu trong số khoảng 3.500 chỉ tiêu vào trường năm nay. Do đó, số chỉ tiêu này sẽ được dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Nhiều trường ĐH tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Khánh Huy

Nhiều trường ĐH tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Khánh Huy

Sở dĩ nhiều trường phải thực hiện phương án điều chỉnh là do: Học sinh trúng tuyển các phương thức khác (trừ dùng kết quả tốt nghiệp THPT) đã xác nhận nhập học. Theo thông tin từ các trường, tỉ lệ học sinh xác nhận nhập học không cao, chỉ từ 30 - 60% tổng chỉ tiêu của phương thức này. Do đó, các trường phải điều chỉnh tỉ lệ từng phương thức xét tuyển lần cuối, bảo đảm không thiếu hụt chỉ tiêu. Thêm vào đó, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh sau cả hai đợt thi, thêm cơ hội đỗ ĐH cho các em.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 18-9 các trường phải công bố công khai việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh và điểm sàn xét tuyển.

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Thí sinh nên so sánh kết quả thi của bản thân với điểm chuẩn của các năm gần đây, chú ý đến sự dịch chuyển phổ điểm của năm 2020, từ đó sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp theo hai tiêu chí: mong muốn (sở thích nghề nghiệp của bản thân, uy tín của trường đại học) và dự báo điểm chuẩn của ngành/chương trình đào tạo cụ thể.

Ý kiến từ nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhóm thí sinh từ 27 điểm trở lên ít khả năng phải thay đổi nguyện vọng, tuy nhiên nhóm thí sinh từ dưới 23 điểm nên có cập nhật thông tin tuyển sinh thường xuyên nhất để có điều chỉnh hợp lý.

Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) thì: Nếu điều chỉnh nguyện vọng nên điều chỉnh trường, không nên điều chỉnh ngành mình đã chọn. Bởi vì nguyên tắc là các em phải chọn ngành, rồi mới đến chọn trường. Ngành học sẽ quyết định tương lai của các em.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tang-chi-tieu-cho-phuong-thuc-xet-tuyen-bang-diem-thi-tot-nghiep-thpt-tang-co-hoi-do-210740.html