Tăng chỉ số hài lòng của người dân

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm để nâng cao chất lượng phục vụ, yêu cầu đó của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Ðẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020' đang được các cấp, các ngành của TP Hà Nội thực hiện một cách hiệu quả.

Trách nhiệm, hiệu quả hơn

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2018, quận Nam Từ Liêm tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội về chỉ số cải cách hành chính. Bởi ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất, quận luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, quận là đơn vị đầu tiên của thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch "Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm" và kế hoạch "Xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức thân thiện, trách nhiệm". Từ tháng 3-2016 đến nay, quận đã gửi hơn 30 nghìn thư chúc mừng, hơn 1.400 thư chia buồn, 67 thư xin lỗi tới tổ chức, công dân, 90 thư cảm ơn tới các cá nhân, tập thể có đóng góp xây dựng địa phương. Quận còn thành lập Tổ công tác giải quyết nhanh các thủ tục hành chính giải quyết 24/24 giờ kể cả ngày lễ và chủ nhật đối với các thủ tục hành chính cấp bách, chính đáng của nhân dân như: các trường hợp cấp giấy chứng tử, thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản. Công dân là người già yếu, bệnh tật được thành viên Tổ công tác đến tận nhà để thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký. Với kết quả hằng năm có hơn 99,97% số hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn đã thật sự tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, tăng cường thu hút đầu tư, giúp cho quận Nam Từ Liêm thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu các địa bàn có số thu ngân sách cao nhất của thành phố.

Tại Sở Công thương, công tác cải cách hành chính cũng luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh Hải cho biết, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Ðảng ủy Sở Công thương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện cải cách hành chính, Năm kỷ cương hành chính để chỉ đạo các chi bộ, các phòng, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Ðảng ủy, Ban Giám đốc Sở đã ban hành 105 văn bản chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, qua đó giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 25 - 40% so với quy định; thực hiện hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đang triển khai, với 80,5% số hồ sơ được tiếp nhận qua mạng; phấn đấu đến hết năm 2019 thực hiện 100% dịch vụ công mức độ 3 trở lên.

Tại một ngành thường xuyên "va chạm" với người dân, Sở Y tế đã quán triệt đầy đủ các nội dung Chương trình tới cán bộ, công chức, lao động của ngành. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện tốt tiêu chí "lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ", đổi mới thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Từ đó, các đơn vị trong toàn ngành đã duy trì trực đường dây nóng, xây dựng thái độ, phong cách văn minh, thân thiện; niêm yết công khai giờ làm việc, phân công các tổ luân phiên đến sớm và về muộn hơn thời gian khám bệnh ít nhất 30 phút để tiếp đón người bệnh, giải quyết hết người bệnh trong ngày.Từ năm 2016 đến nay, ngành đã bãi bỏ 122 thủ tục hành chính; giảm 50% thời gian cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng chung của ngành đạt tổng điểm trung bình 4,41 và tỷ lệ người bệnh nội trú đánh giá hài lòng chung đạt 95,18%.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm

Cũng với những cách làm cụ thể như vậy, thành phố đã thực hiện quyết liệt các nội dung đề ra trong Chương trình 08-CTr/TU. Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành đã rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính vượt 30% chỉ tiêu; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy. Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố hoàn thành sớm việc xây dựng đề án vị trí việc làm; triển khai mạnh mẽ chương trình công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt cao. Từ phản ánh của dư luận, báo chí, trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trong cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được nâng cao.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ những hạn chế. Ðó là kế hoạch cải cách hành chính hằng năm của một số đơn vị còn chung chung. Một số đơn vị chưa bố trí cán bộ tâm huyết làm công tác cải cách hành chính… dẫn đến hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Ðáng chú ý là trách nhiệm, thái độ của một số cán bộ, công chức còn chưa tốt, để người dân phàn nàn, thậm chí có trường hợp phải xử lý kỷ luật. Chất lượng xử lý hồ sơ qua "một cửa liên thông" còn chưa triệt để, lòng vòng, kéo dài. Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn dừng lại ở mức cắt giảm thời gian xử lý, số lượng hồ sơ thành phần chưa được cắt giảm nhiều...

Tại đợt kiểm tra mới đây về kết quả thực hiện Chương trình 08, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã yêu cầu các đơn vị, địa phương cần khắc phục ngay hạn chế trong xử lý hồ sơ qua "một cửa liên thông", phấn đấu 100% số hồ sơ qua hệ thống đúng hạn, bảo đảm chất lượng. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát việc sắp xếp vị trí việc làm, thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và nhân rộng điển hình, mô hình tốt. Bên cạnh đó, cần chú trọng cắt giảm thủ tục ngay trong nội bộ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, như việc giải ngân đầu tư, tiết giảm chi thường xuyên để tạo môi trường công khai, minh bạch, tăng cường thu hút đầu tư, tạo thêm những nguồn lực để phát triển thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41661702-tang-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan.html