Tăng Chỉ số cải cách hành chính tại Hà Nội: Cần nỗ lực nhiều hơn

Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) cấp tỉnh năm 2020 vừa được Bộ Nội vụ công bố, Hà Nội xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 6 bậc sau 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng. Thực tế này cho thấy, Hà Nội không những cần nỗ lực nhiều hơn trong việc duy trì kết quả đã đạt được mà còn phải không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.

Hà Nội cần đổi mới, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính nhằm đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển. Trong ảnh: Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận "một cửa" Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

8 tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt 0 điểm

Năm 2020, điểm Chỉ số PAR Index của thành phố Hà Nội đạt 86,07%, mặc dù bị giảm 6 bậc nhưng điểm tổng thể tăng 1,43% so với năm 2019 (đạt 84,64%). Với kết quả này, Hà Nội nằm trong nhóm B - nhóm đạt kết quả chỉ số từ 80% đến 90% (gồm 56 địa phương) và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có điểm chỉ số cao và cao hơn so với trung bình của cả nước là 2,35% (trung bình của cả nước là 83,72%).

Theo Bộ Nội vụ, các chỉ số thành phần cải cách hành chính của Hà Nội đạt được khá toàn diện khi có tới 5/8 chỉ số đạt kết quả trên 90% và 6/8 chỉ số tăng điểm so với năm 2019. Tiêu biểu là chỉ số thành phần công tác chỉ đạo điều hành đạt 97,48% (năm 2019 đạt 94,12%); xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 92,33% - đứng đầu cả nước (năm 2019 đạt 87,8%); cải cách thủ tục hành chính đạt 98,66% (năm 2019 đạt 92,86%); cải cách tổ chức bộ máy đạt 92,52% (năm 2019 đạt 84,66%); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 91,14% (năm 2019 đạt 84,76%).

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng, dù có cố gắng nhưng Hà Nội vẫn còn một số nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm, chưa có sự cải thiện hoặc có cải thiện nhưng chưa đạt kết quả cao như: Xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử; thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, thu ngân sách; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Đáng lưu ý, Hà Nội còn tới 8 tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt 0 điểm, thuộc các lĩnh vực cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính và tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đơn cử như “Triển khai kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh được 0/0,5 điểm (do thành phố chưa ban hành)... Trong khi đó, ở một số tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc lĩnh vực “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, “Cải cách tài chính công” thì mức tăng chưa có sự bứt phá.

Ông Lê Văn Hiệp (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết, Hà Nội là địa phương có hạ tầng mạnh về công nghệ thông tin nhưng việc chưa ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử là điểm hạn chế cần phải sớm điều chỉnh.

UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) phân công đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”. Ảnh: Hiền Chi

Quyết tâm từ những việc cụ thể

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho biết, từ kết quả Chỉ số PAR Index năm 2020, Sở Nội vụ đã phân tích tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục, nhằm nâng cao thứ hạng trong thời gian tới. Trong đó, thành phố phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan trong việc tham mưu UBND thành phố các nội dung: Ban hành ngay các văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố về quản lý, sử dụng tài sản công, không để tình trạng bị trừ điểm nhiều năm liên tiếp về nội dung này; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của thành phố tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Cùng với đó, các sở, ngành cần tập trung xây dựng, trình thành phố phê duyệt khung kiến trúc chính quyền điện tử để triển khai diện rộng...

Hiện nhiều đơn vị đã quyết tâm thực hiện với các chỉ tiêu rất cụ thể trong năm 2021. Tiêu biểu như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có kế hoạch triển khai đo lường sự hài lòng ở các trường học. Quận Hoàn Kiếm phấn đấu 100% hồ sơ thủ tục hành chính của quận và phường được trả kết quả đúng và trước hạn; đồng thời đặt mục tiêu xây dựng, ban hành đề án xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh...

Xác định vai trò trách nhiệm của huyện trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: “Huyện sẽ xác định rõ khâu yếu và có giải pháp khắc phục ngay từ các phòng, ban. Đồng thời tăng cường kiểm tra công vụ để siết chặt kỷ luật, kỷ cương để công tác cải cách hành chính có hiệu quả thực chất...”.

Thể hiện rõ quyết tâm thay đổi, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 1980/SNV-CCHC ngày 12-7-2021 về việc đăng ký sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới trong công tác cải cách hành chính năm 2021. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tập trung vào các nội dung còn hạn chế, tồn tại của ngành, địa phương hoặc giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của cơ quan, địa phương hoặc thành phố.

Quyết tâm đồng bộ đó chính là yếu tố quyết định để thành phố Hà Nội khôi phục được thứ hạng về Chỉ số PAR Index năm 2021 và những năm tiếp theo ở nhóm đầu của cả nước, tạo hiệu quả thực chất.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1005847/tang-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-tai-ha-noi-can-no-luc-nhieu-hon