Tăng chất lượng phục vụ của nhà văn hóa

Khu vực ngoại thành vốn thiếu những thiết chế văn hóa lớn, đời sống kinh tế chưa cao, khiến người dân khó tiếp cận các dịch vụ văn hóa.

Người cao tuổi luyện tập văn nghệ ở điểm sinh hoạt cộng đồng tại thôn Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Ảnh: Huyền Trang

Người cao tuổi luyện tập văn nghệ ở điểm sinh hoạt cộng đồng tại thôn Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Ảnh: Huyền Trang

Khu vực ngoại thành vốn thiếu những thiết chế văn hóa lớn, đời sống kinh tế chưa cao, khiến người dân khó tiếp cận các dịch vụ văn hóa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ xây dựng hệ thống nhà văn hóa ở cơ sở. Hiện 92,6% số thôn, làng của Hà Nội đã có nhà văn hóa. Thông qua hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân được nâng lên.

Nhà văn hóa thôn Vang (xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh) hôm nay rộn vang tiếng trống. Tưởng như là ngày hội, nhưng không phải. Câu lạc bộ (CLB) Người cao tuổi thôn Vang hôm nay tập văn nghệ. Thấy trên ti-vi có những màn trống hội rất hay, mọi người cũng quyết định "tậu" một bộ trống về. Các cụ ông, cụ bà, mỗi người một "vai", luyện tập. Ðều ở lứa tuổi đầu bạc, răng long, nhưng mọi người đều hăng say tập luyện để có thêm món ăn tinh thần mới. Tháng 4-2018, Nhà văn hóa thôn Vang được khánh thành. Từ đó đến nay, hoạt động của nhà văn hóa góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Doanh, người dân thôn Vang chia sẻ: "Thôn Vang trước đây cũng có nhà văn hóa quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi có đến hơn 600 hộ dân, cho nên không đáp ứng được nhu cầu. Khi chính quyền có chủ trương xây dựng nhà văn hóa mới, nhân dân rất phấn khởi và đã đóng góp công sức để xây dựng công trình khang trang". Nhà văn hóa thôn Vang có không gian rộng. Có nơi luyện tập cho nên nhiều CLB văn hóa, thể thao đã phát triển như các CLB: Tuồng; Lân, sư, rồng; Bóng chuyền hơi; Bóng chuyền da…

Chỉ tính riêng năm 2018, huyện Ðông Anh xây mới ba trung tâm văn hóa cấp xã, xây dựng, cải tạo gần 40 nhà văn hóa làng, tổ dân phố, chưa kể một số nhà văn hóa tiếp tục được đưa vào hoạt động trong năm 2019. Nhiều nhà văn hóa còn được bố trí máy tính có kết nối mạng, có thanh niên tình nguyện đến giúp đỡ người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng.

Cũng như ở Ðông Anh, hoạt động của các nhà văn hóa trên địa bàn huyện Ðan Phượng cũng diễn ra sôi nổi. Tại những xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Song Phượng, Ðan Phượng, Liên Trung, hoạt động của các CLB Bóng bàn, Cờ tướng, Cầu lông, Bóng chuyền hơi… tại các nhà văn hóa trở nên sôi nổi hơn. Nhiều nhà văn hóa được trang bị các thiết bị tập luyện thể dục, thể thao, thu hút đông người dân đến tham gia. Huyện đã có 118 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố trong tổng số 120 khu dân cư, đạt tỷ lệ gần 100%.

Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2016-2020 đang bước vào giai đoạn cuối. Một trong những mục tiêu lớn của chương trình chính là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân. Những thiết chế văn hóa cấp thành phố như: Nhà văn hóa, nhà hát, thư viện, sân vận động… thường nằm ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, muốn vào các công trình dịch vụ văn hóa thì lại phải mất kinh phí. Ðiều này khiến không phải ai cũng có điều kiện hưởng thụ các hoạt động văn hóa, nhất là khu vực ngoại thành. Do đó, trong xây dựng đời sống văn hóa, thành phố đã kết hợp với triển khai xây dựng nông thôn mới, đầu tư một cách bài bản vào xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở khu vực ngoại thành.

Qua đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước được hoàn thiện. Ðến hết tháng 6-2019, đã có 2.342 trong tổng số 2.528 thôn, làng trên địa bàn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 92,6%. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động, thành phố cũng triển khai đề án "Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội" từ năm 2016. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, từ những mô hình đầu tiên được thí điểm tại Nhà văn hóa thôn Ðoài (huyện Ðông Anh), mô hình sinh hoạt các CLB tại nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố đang được triển khai ở một số quận, huyện, thị xã: Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Sơn Tây... Các mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong thời gian tới, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.

Hà Nội là địa bàn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước, với 1.783 di sản các loại. Việc đầu tư hệ thống nhà văn hóa cơ sở không chỉ giúp cải thiện đời sống văn hóa, mà còn tạo "bệ đỡ" cho việc bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, khi các nghệ nhân có không gian để luyện tập, biểu diễn. Ðiển hình như ở thôn Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên), nhờ có nhà văn hóa, CLB Hát chèo có địa điểm sinh hoạt thường xuyên. Hiện CLB có tới gần 40 thành viên. Những dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn bởi các "nghệ sĩ nông dân" đến tập luyện. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các địa bàn như: Tân Hội (huyện Ðan Phượng), Liên Hà (huyện Ðông Anh), Văn Nhân (huyện Phú Xuyên)…

65 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, chất lượng cuộc sống người dân ngoại thành đang ngày càng được cải thiện. Làng quê khang trang, đổi mới, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa. Hoạt động hiệu quả của hệ thống nhà văn hóa cơ sở đã giúp người dân vừa là chủ thể tham gia, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa. Trước một số khó khăn, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội. Quy chế này sẽ là "bộ khung" để cơ sở xây dựng các phương thức quản lý, tổ chức hoạt động cũng như việc huy động kinh phí, sử dụng nguồn thu…, qua đó, thiết thực nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41776502-tang-chat-luong-phuc-vu-cua-nha-van-hoa.html