Tăng cạnh tranh, chắc chỗ đứng nhờ khuyến công

Theo các đơn vị, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chương trình khuyến công đã phát huy tốt hiệu quả khi giúp họ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, nâng sức cạnh tranh và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tăng doanh thu, thêm việc làm

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công thương Nghệ An Nguyễn Xuân Thanh cho biết, thời gian qua, công tác khuyến công đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương. Trước kia, các hộ kinh doanh nhỏ thường tạo ra sản phẩm thủ công, manh mún, chưa mạnh dạn đầu tư, nhân lực thiếu. Nhờ có "vốn mồi" khuyến công, các cơ sở CNNT đã tự tin đầu tư máy móc, thiết bị, từ đó nâng cao năng suất, tăng cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm.

Khuyến công Nghệ An đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều đơn vị. Nguồn: ITN

Khuyến công Nghệ An đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều đơn vị. Nguồn: ITN

Ông Hồ Mạnh Hoàn, Giám đốc Công ty CP Hải sản Biển Quỳnh cho biết, công ty của ông được khuyến công hỗ trợ từ năm 2019. Từ đó đến nay, công ty duy trì mức tăng trưởng liên tục. Ông Hoàn khẳng định chương trình khuyến công đã giúp doanh nghiệp tạo được uy tín, thương hiệu, chỗ đứng vững chắc và luôn được đối tác đánh giá cao. "Ngày trước, sản lượng của công ty chỉ đạt 50 tấn/năm, sau khi được hỗ trợ vốn đã tăng lên 300 tấn/năm. Từ chỗ chỉ có 10 nhân viên, chúng tôi đã tạo thêm việc làm cho 50 người, lương cơ bản cho công nhân là 5 - 6 triệu/tháng, nhân viên văn phòng là 7 - 8 triệu/tháng", ông Hoàn khoe.

Trong năm 2021, chương trình khuyến công tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho nhiều đơn vị. Điển hình, hộ kinh doanh Trương Phát, thị trấn Nam Đàn được hỗ trợ đầu tư máy cắt CNC fiber laser EMC-1530 BASIC 1.500W, giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng, mẫu mã. Nhờ vậy, đơn vị này nhận được nhiều đơn hàng hơn, doanh thu tăng so với những năm trước và tạo việc làm cho nhiều lao động, thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Vốn là công ty gia đình, lao động ít nhưng nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm may mặc, doanh thu năm 2021 của Công ty CP Phước An Lộc tăng lên đáng kể. Giám đốc Tạ Thị Thu Hiền cho biết, hiện công ty có 20 - 30 lao động thường xuyên, thu nhập 4 - 5 triệu/tháng. Ngoài ra còn thu hút 100 lao động thời vụ với thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng. Không dừng chân ở thị trường nội địa, Công ty đang hướng đến xuất khẩu sản phẩm may mặc ra thị trường nước ngoài. “Khuyến công không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển về số lượng, chất lượng, mà còn tác động rất lớn về mặt tinh thần, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp”, bà Hiền chia sẻ.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Nội dung hoạt động khuyến công của tỉnh Nghệ An được đánh giá đang ngày càng cụ thể, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp. Không ít sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu. Trong 6 tháng đầu năm nay, Nghệ An có 25 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT cấp tỉnh và đang gửi 11 sản phẩm đánh giá cấp khu vực...

Năm 2022, tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 6,1 tỷ đồng. Trong đó vốn khuyến công địa phương là 5,5 tỷ đồng và đã hỗ trợ công tác tuyên truyền, tư vấn, ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh doanh... với số tiền 4,34 tỷ đồng.

Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai các đề án khuyến công, ông Nguyễn Xuân Thanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công thương Nghệ An cho biết, các đơn vị được hỗ trợ thường là các hộ sản xuất quy mô gia đình, vốn ít, trình độ quản lý, sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, khi có đề án hỗ trợ phải hướng dẫn cụ thể, chi tiết các đơn vị mới thực hiện được. Bên cạnh đó, muốn được hỗ trợ, đơn vị phải có nguồn vốn đối ứng, vốn khuyến công chỉ hỗ trợ tối đa 45%. Liên quan đến tư vấn, vận dụng hiệu quả nguồn vốn, thực tế chưa có các cán bộ chuyên trách ở cấp xã, cấp huyện nên rất khó hỗ trợ các đơn vị.

Từ đây đến cuối năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công thương Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công đã được phê duyệt, quan tâm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu. Tiếp tục hỗ trợ các dự án đầu tư máy móc thiết bị tiết kiệm điện năng; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất sạch hơn, các sản phẩm có thị trường ổn định. “Tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm thì chắc chắn hiệu quả khuyến công sẽ lan tỏa mạnh hơn nữa, từ đó khuyến khích các đơn vị tham gia, kết nối cung cầu tốt hơn”, ông Thanh nhấn mạnh.

Để tăng tính hiệu quả cho khuyến công, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển Công thương Nghệ An đề xuất Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) bố trí nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để địa phương chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần thống nhất chức năng nhiệm vụ và tên gọi của các trung tâm trên địa bàn cả nước.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tang-canh-tranh-chac-cho-dung-nho-khuyen-cong-i292548/