Tăng ca nhiều, sao công nhân vẫn khổ trăm bề

Tình trạng công nhân tăng ca hơn 1.000 giờ/năm, gấp 3-4 lần so với so với qui định pháp luật vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp cùng vô số hệ lụy kéo theo

Gần đây, dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) có nội dung tăng giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) lên 400 giờ/năm. Trong khi các chuyên gia lo lắng cho sức khỏe của NLĐ thì đại bộ phận công nhân cho rằng chẳng thấm vào đâu so với tổng thời gian làm việc của họ. "Tôi làm 12 giờ/ngày, tăng ca 4 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Nếu làm 26 công/tháng thì thời gian tăng ca là 96 giờ/tháng, ước tính hơn 1.000 giờ/năm. Bởi vậy, tôi thấy con số 400 giờ/năm chảng thấm tháp vào đâu" - một CN làm việc tại khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM chia sẻ.

Có bệnh phải vẫn cố đi làm

Nhìn vào con số hơn 1.000 giờ tăng ca/năm, không ít người ngạc nhiên hỏi"Làm vậy sao sống nổi? Họ ăn, ngủ, nghỉ ra sao?". Tuy nhiên, với nhiều CN, nếu không chấp nhận đánh đổi thì đừng hy vọng cải thiện thu nhập để có tiền lo con con cái ăn học, trang trải cuộc sống gia đình.

Ra ca lúc 8 giờ sáng, CN N.N.K.T (18 tuổi, Bình Định) chậm rãi đạp từng vòng xe quay về nhà trọ sau 12 giờ làm việc. Vẻ mặt mệt mỏi, T. buồn rầu: "Em vào công ty làm việc hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa kịp thích ứng. Tối qua, em lại ngủ gục trong giờ làm; thao tác vẫn còn chậm nên hay bị tổ trưởng la mắng. Vậy mà có chị em đã làm gần 7 năm". Tạm dừng việc học sau khi hết trung học phổ thông, T theo chân chị gái vào làm CN lắp ráp linh kiện điện tử. Áp lực công việc trong 1 tháng đầu khiến T. vô cùng lo lắng và thương chị gái nhiều hơn. "Biết sức mình không học nổi tiếp nên em xin đi làm CN. Thấy chị thu nhập gần 12 triệu/tháng, em cũng ham nên xin làm CN. Dù chị đã cảnh báo từ đầu nhưng em không nghĩ là đến mức này" - T. lo lắng.

Công nhân một doanh nghiệp tại quận 9, TPHCM sau giờ tăng ca

Công nhân một doanh nghiệp tại quận 9, TPHCM sau giờ tăng ca

Chị T.T.T.H (38 tuổi, Hậu Giang) cười gượng gạo khi tôi đề cập đến viêc câu chuyện CN độc thân rất thích làm tăng ca để tăng thu nhập và tích lũy cho tương lai. Chị bộc bạch: "Tôi cũng từng có suy nghĩ như các bạn CN trẻ ấy. Trẻ và khỏe nên ráng để có thu nhập hơn 10 triệu/tháng. Nhưng ở tuổi này, sau gần 12 năm gắn bó cùng công ty, đồng lương đôi lúc cao gấp 2 lần các nơi khác nhưng tôi đang phải chống chọi với chứng rối loạn tiền đình, cơ thể hay rơi vào trạng thái lâng lâng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…Đây là hậu quả của việc ăn uống, ngủ, nghỉ không đảm bảo giờ giấc". Chị H còn cho biết thêm nguyên nhân CN hiếm khi xin nghỉ làm đột xuất vì họ sẽ bị trừ mất 600.000 - 700.000 đồng/ngày tiền lương (gồm tiền chuyên cần của cả tháng 300.000 đồng và tiền ngày công làm việc) - đây một số tiền không nhỏ. Do đó, dù có bệnh, CN vẫn cố đi làm dẫn đến tình huống CN xỉu tại xưởng, bệnh tình chuyển nặng phải đưa đi cấp cứu… không ít lần xảy ra.

Áp lực công việc nặng nề đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần của CN, song điều khiến họ bức xúc hơn cả là các quy chế quản lý hà khắc do các DN đưa ra. "CN muốn nghỉ phép phải báo trước 2-3 ngày, duyệt hay không là quyền của tổ trưởng. CN nghỉ 1 ngày không phép là bị trừ 300.000 đồng tiền chuyên cần cho dù bị bệnh đột ngột, có giấy bác sĩ; phụ cấp độc hại chỉ 100.000 đồng/tháng" - anh V.H.M (quê Vĩnh Long) bức xúc.

Con trẻ thiếu hơi mẹ

Trong khi bạn bè đồng trang lứa được nâng niu, đưa đón đi học, đi chơi…thì con của CN lại phải giành giật từng phút, từng giờ để được ở cạnh cha, mẹ mỗi khi có cơ hội gặp gỡ.

Một sáng cuối tuần, tôi gặp chị Lý Anh Thơ (Bình Dương) trong bộ đồng phục CN đang loay hoay chọn mua búp bê tại một cửa hàng văn phòng phẩm. Khi tôi mở lời hỏi chuyện về những vất vả khi phải làm thêm giờ thì chị từ chối khéo: "Em thông cảm, con chị đang chờ ở nhà, một tuần mới gặp 1 lần nên hẹn em khi khác". Năn nỉ mãi, cuối cùng chị cũng đồng ý cho tôi cùng về thăm nhà. Ngồi chờ trước cửa phòng trọ, nhác thấy bóng mẹ về, con gái chị vừa chạy ra đón vừa reo to: "Mẹ, mẹ, mẹ về ngoại ơi!". Dựng vội chống xe, chị ôm con vào lòng, hôn lấy hôn để. "Ngày nào cả nhà cũng gặp nhau qua điện thoại nhưng làm sao bằng được ôm con mình vào lòng. Mỗi tuần, vợ chồng tôi đều tranh thủ chạy về chơi với con nhưng hôm nay sẵn việc nên hai bà cháu tự bắt xe buýt rồi đi xe ôm lên luôn" - chị T. vừa trò chuyện vừa thắt lại bím tóc cho con gái.

Phút quây quần của một gia đình công nhân sau giờ tăng ca

Chia tay chị Thơ, tôi đến một khu nhà trọ khác trên đường Nam Cao (quận 9, TP HCM). Vợ chồng anh Trương Hoàng Sơn cũng đang chuẩn bị hành lý để về quê (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) thăm con trai. Vợ anh Sơn cho biết: "Hết 6 tháng thai sản, tôi đi làm lại. Ông bà nội phản đối việc chúng tôi định gửi con ở nhóm trẻ để đi làm khi thấy nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra. Bé thì không bú mẹ, tôi lại thấy không khí ở quê trong lành, thoáng mát sẽ tốt cho sức khỏe của con hơn nên đồng ý. Mấy ngày đầu, tôi chỉ muốn nghỉ việc để về với con. Lây lất vậy mà đã 3 năm".

Anh Lê Văn Út thì chọn phương án đón mẹ ruột lên ở cùng để vừa có thể chăm lo cho bà, vừa có người ở cùng hai con. "Vợ chồng tôi làm từ 8 giờ - 20 giờ nên về rất trễ. Lúc trước, tôi phải nhờ một anh bạn có con học chung bé lớn (6 tuổi) đón giúp cháu về, sau đó đưa vào nhóm trẻ chung với em trai (2 tuổi), cô sẽ cho 2 đứa ăn và dạy con học giúp. Nhiều khi ghé đón, 2 đứa đã ngủ, phải đánh thức để chở về, xót xa lắm" - anh Út kể. Sau khi bà nội lên, 2 con của anh Út được về nhà sớm, được ngủ ngon giấc dù cha mẹ về trễ, tiết kiệm được một khoản chi phí gửi con ngoài giờ, nhà cửa lại có bà nội quán xuyến, luôn được dọn dẹp sạch sẽ. "Nhiều người e ngại khi nghe tôi đón mẹ lên ở cùng vì thêm một người sẽ phát sinh thêm một khoản phí không nhỏ, dễ phát sinh mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu…Ngược lại, tôi thấy mình may mắn khi được đón mẹ lên, các con được gần gũi người thân, ăn món con thích, ngủ một giấc ngon lành…thì không còn gì sánh bằng" - vợ anh Út tiếp lời chồng.

Bài và ảnh: THÚY LIỄU

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tang-ca-nhieu-sao-cong-nhan-van-kho-tram-be-20181102103923144.htm