TAND TP Thuận An: Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa giả định
Hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến. Trong số đó có nhiều em đi xe máy đến trường, hầu hết đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Thực trạng này rất đáng lo ngại, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh tăng cao.
Để phổ biến pháp luật cho các em học sinh, chiều 20/2, TAND TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã phối hợp với trường THCS Nguyễn Văn Tiết và các cơ quan liên quan, tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn các em nghiêm khắc tuân thủ pháp luật, từ đó tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Tại phiên tòa, toàn bộ tình huống được dựng lại như một phiên tòa thật, với đầy đủ các thành phần của hội đồng xét xử cùng tham gia xét hỏi và lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa.
Theo đó, phiên tòa giả định được tổ chức với nội dung đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thanh Nam, bị Viện KSND TP Thuận An truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a, b khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thanh Nam là học sinh lớp 10, (ngụ tỉnh Bình Dương) chưa có giấy phép lái xe máy. Khoảng 21 giờ 10 phút ngày 30/4/2022, bị cáo Nguyễn Thanh Nam sau khi uống rượu cùng bạn bè thì điều khiển xe mô tô biển số 61Z3 – 0592 lưu thông trên đường ĐT 743B hướng vào khu công nghiệp Đồng An thuộc khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trên đường di chuyển, Nam điều khiển xe chuyển hướng sang phần đường ngược chiều để qua đường thì va chạm với xe mô tô biển số 61C1 – 243.59 do anh Lê Hữu Thành điều khiển đang đi ngược chiều với Nam. Cú va chạm mạnh làm anh Thành cùng xe mô tô ngã ra đường, phần đầu của anh Thành đập vào vỉa hè.
Tại hiện trường, lực lượng công an tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của Nam và có kết quả 0,5mg/lít khí thở. Đến ngày 08/5/2022, anh Thành tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Quá trình điều tra, Nguyễn Thanh Nam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Với hành vi trên, Nguyễn Thanh Nam đã vi phạm khoản 8 Điều 8, khoản 2 Điều 15 và Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 260 và điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 47; Điều 101 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 106, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Nam 4 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 200.000.000 đồng và gia đình bị hại không còn yêu cầu gì thêm.
Tham dự phiên tòa, các em học sinh đã có cơ hội trải nghiệm thực tế phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến luật giao thông. Qua đó, phần nào nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em khi tham gia giao thông.
Em Lê Kim Minh Thiện, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Văn Tiết chia sẻ: “Qua phiên tòa cho em thêm nhiều kiến thức về an toàn giao thông. Từ đó, em sẽ biết được cái lợi và cái hại của việc điều khiển khiển phương tiện khi ra đường. Khi mình chưa đủ tuổi mình không nên điều khiển phương tiện phân khối lớn, nên tuân thủ luật, thứ nhất tốt cho mình, thứ hai không để gia đình phải lo lắng”.
“Qua phiên tòa, em rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Bên cạnh đó, em sẽ nhắc nhở mọi người xung quanh mình khi tham gia giao thông để tránh những trường hợp đáng tiếc không ai mong muốn”, em Trần Thị Minh Huyền, học sinh lớp 8A9, Trường THCS Nguyễn Văn Tiết nói.
Mỗi năm là một chủ đề khác nhau, năm nay trường THCS Nguyễn Văn Tiết chọn chủ đề an toàn giao thông với mong muốn học sinh ngày càng am hiểu luật hơn, đúng nội quy nhà trường đề ra và có góc mình đúng đắn khi điều khiển phương tiện đến trường.
Thầy Phan Lê Huy - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Tiết (Lái Thiêu, Bình Dương) chia sẻ: “Mong muốn các em ý thức hơn, trước mắt phải vì mình, phải làm đúng sau đó nhắc nhở các bạn xung quanh, từ đó lan tỏa đến gia đình, cũng như bạn bè ở trong và ngoài nhà trường. Dự kiến năm sau trường sẽ xin ý kiến và đề xuất tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật về việc xâm hại tình dục ở lưới tuổi vị thành niên. Mặc dù chưa đủ 16, nhưng lúc này các em đang bắt đầu tìm hiểu và có rất nhiều câu hỏi thắc mắc hoặc tìm hiểu trên các trạng xã hội, điều đó rất là nguy hiểm”.
Theo TAND TP Thuận An, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức thành công 12 phiên tòa giả định, tạo hiệu ứng lan tỏa và tích cực và được nhà trường, phụ huynh và các em học sinh đánh giá cao. Sau các phiên tòa, Ban tổ chức đã đưa ra những câu hỏi về nội dung phiên tòa và các vấn đề có liên quan để làm rõ, sáng tỏ hơn các kiến thức pháp luật. Tất cả phần hỏi đáp đã diễn ra rất sôi nổi. Có thể thấy, các em học sinh rất tập trung chú ý đến diễn biến phiên tòa, đồng nghĩa với việc chương trình diễn ra hiệu quả và thành công.
Ông Phạm Anh Thi – Phó Chánh án TAND TP Thuận An cho biết: “Nổi bật ở phiên tòa giả định là mềm hóa các quy định của pháp luật, đưa các tình huống pháp lý gần hơn với tâm lý của người tham dự. Từ đó, các em sẽ biết hành vi nào sẽ bị xử lý hành chính, hành vi nào sẽ cấu thành tội phạm và bị xử lý hình sự…
Nếu đọc qua sẽ khó nhớ hoặc chưa hiểu hết các quy định, thì phiên tòa giả định sẽ cụ thể hóa các hành vi cấu thành tội phạm và xử lý thực tế hơn. Từ đó tránh được những hành vi vi phạm, nâng cao công tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, việc tổ chức phiên tòa giả định này còn một số hạn chế vì phải phối hợp với các cơ quan đơn vị bạn, những việc sắp xếp thời gian phải cần sự thống nhất. Bên cạnh đó, kinh phí không có, số lượng công việc chuyên môn của các đơn vị thì ngày càng nhiều, do đó vẫn còn khó khăn”.
Phiên tòa giả định trên là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gần hơn với học sinh trên địa bàn TP Thuận An. Hơn nữa, việc này còn tạo điều kiện cho các em có dịp củng cố kiến thức, tiếp cận thực tiễn và chấp hành tốt pháp luật.