TAND Tối cao: Người trốn nơi cách ly sẽ bị xử lý hình sự

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, các hành vi trốn cách ly, khai báo gian dối liên quan Covid-19 mà làm lây bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý hình sự.

Ngày 30/3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh.

Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh; nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh cách ly hoặc không khai báo y tế, khai báo gian dối làm lây bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực cách ly, khu phong tỏa nhưng thực hiện một trong các hành vi trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.

 Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, người trốn cách ly làm lây bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: Việt Linh.

Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, người trốn cách ly làm lây bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài ra, chủ hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để cơ sở hoạt động khi đã có quyết định tạm dừng để phòng chống dịch bệnh mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.

Trường hợp người đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc về dịch Covid-19 mà gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Nếu tung tin trái phép về cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh hay bệnh nhân, thì bị xử lý về tội Làm nhục người khác.

Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán cũng nêu rõ người lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa thông tin sai sự thật về thuốc và vật tư y tế trong phòng, chống dịch; lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, vơ vét hàng hóa, sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Buôn lậu hoặc Đầu cơ.

Đặc biệt, người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng hình phạt nghiêm khắc với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, như: Làm lây bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người.

Còn trường hợp phạm tội chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh), thì áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Cũng theo Hội đồng Thẩm phán, trong thời gian có dịch bệnh Covid-19, phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch ra xét xử nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch.

Một số biện pháp có thể áp dụng như: Phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; nếu phải triệu tập nhiều hơn 10 người tham gia phiên tòa thì bố trí cho họ ngồi phòng khác có sử dụng thiết bị điện tử hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiếu 2 m.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tand-toi-cao-nguoi-tron-noi-cach-ly-se-bi-xu-ly-hinh-su-post1066504.html