TAND Tối cao muốn thêm tượng cố Chánh án tại trụ sở

Sau ý muốn dựng tượng vua Lý Thái Tông, TAND Tối cao lại muốn dựng thêm tượng bán thân các cố Chánh án tại trụ sở.

Ngày 29/4/2020, tờ Dân trí dẫn thông tin từ Văn phòng TAND Tối cao cho biết, ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao, số 43 Hai Bà Trưng (Hà Nội), còn xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án TAND Tối cao.

4 cố Chánh án TAND Tối cao được dựng tượng là các ông Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).

Theo dự kiến, tượng các cố Chánh án TAND Tối cao được đúc bằng chất liệu đồng đỏ (nguyên khối), chân đế tượng được làm bằng đá tự nhiên. Kích thước tượng dự kiến cao 2,2m.

Để thực hiện việc dựng tượng tại trụ sở, TAND Tối cao đã lấy ý kiến của Hội đồng nghệ thuật.

Trụ sở TAND Tối cao.

Trụ sở TAND Tối cao.

Ngày 28/4/2020, trong cuộc họp với Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao cho biết: “Việc lựa chọn nhân vật đại diện nền tư pháp nước nhà có ý nghĩa lớn trong tôn vinh cống hiến của tiền nhân trong trị vì, xây dựng nền pháp luật nước nhà và qua đây thể hiện thượng tôn pháp luật của đất nước ta có từ hằng trăm năm trước”.

Đồng thời, ông Bình thông tin, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu xây dựng tượng thì cán bộ, công chức ngành tòa án sẽ đóng góp kinh phí.

Cũng trong cuộc họp, ông Ngô Tiến Hùng – Chánh văn phòng TAND Tối cao phát biểu, TAND Tối cao không có chủ trương dựng tượng tại các tòa án khác mà chỉ dựng tượng tại khu vực Quảng trường Công lý tại trụ sở TAND Tối cao mới (số 43, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ông Hùng cho biết thêm, kinh phí dựng tượng nằm trong kinh phí xây dựng trụ sở đã được phê duyệt.

Bàn về việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND Tối cao, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thẳng thắn cho rằng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không có thẩm quyền để lựa chọn biểu tượng công lý.

“Nếu sau này mỗi cơ quan tư pháp đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý thì sẽ ra sao? Việc lựa chọn hình tượng nào để trưng bày theo tôi không có ý nghĩa gì về mặt nhận thức. Quan trọng là đạo đức, trí tuệ của thẩm phán có đủ để đem lại công lý cho người dân hay không.

Chưa kể ngành tòa án xét xử phải dựa trên chứng cứ khoa học và nhân danh pháp luật. Việc đặt tượng trên toàn hệ thống tòa án khiến người ta liên tưởng đến thần quyền và yếu tố tâm linh, đây là điều tuyệt đối không nên có trong hệ thống tư pháp” - luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết.

Còn ông Ngô Cường - nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND tối cao - cho rằng việc chọn biểu tượng công lý và dựng tượng trên hệ thống tòa án là hoàn toàn không cần thiết và không có nhiều ý nghĩa về mặt nhận thức.

"Chúng ta không ai biết một chữ nào trong bộ "Hình thư" do vua Lý Thái Tông ban hành. Bộ luật dưới thời phong kiến dù tiến bộ đến đâu vẫn còn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các giai cấp, thủ tục xét xử không thể nào khách quan, hình phạt thì rùng rợn, hà khắc. Việc dựng tượng vua để tôn kính thì được nhưng coi ông là biểu tượng công lý thì... chưa phù hợp" - ông Ngô Cường nói.

"Tôi đi nhiều tòa án các nước trên thế giới và chưa thấy nước nào lựa chọn một con người cụ thể làm biểu tượng công lý. Tòa án tối cao các nước đa số sử dụng tượng nữ thần công lý nhưng họ làm tượng rất nhỏ, đắp trên tường ở sảnh ra vào chứ không làm đồ sộ cao hơn 5m đặt ở khuôn viên như dự án ở Việt Nam" - ông Cường góp ý.

Trong khi đó, ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở TAND Tối cao.

“Đây không phải là thần công lý, đây là biểu tượng của ngành. Nhiều quốc gia cố gắng chọn được một nhân vật riêng, bên cạnh hình tượng công lý nói chung” - ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, các nhà khoa học cũng nhận định, TAND Tối cao đã thực hiện quy trình dựng tượng của Lý Thái Tông bài bản, khoa học, chặt chẽ. TAND Tối cao đã thành lập ban chỉ đạo, mời chuyên gia của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tư vấn.

Ông Quốc cho hay: “Sau khi chọn được 25 nhân vật tiêu biểu cho ngành, các chuyên gia được mời viết bài thuyết minh để chọn ra 15 nhân vật. Các chuyên gia lại họp và đánh giá, chọn ra 5 nhân vật tiêu biểu để nghiên cứu sâu hơn, đưa ra hội thảo có tính chất toàn quốc.

Có hơn 70% ý kiến người dự hội thảo và chuyên gia bỏ phiếu chọn Lý Thái Tông. Sau đó ban chỉ đạo họp, đề xuất thêm một nhân vật để lấy phiếu rộng rãi trong ngành, kết quả vua Lý Thái Tông nhận được 82,5% số phiếu đồng tình”.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tand-toi-cao-muon-them-tuong-co-chanh-an-tai-tru-so-3401234/