TAND tỉnh Đồng Tháp bất ngờ có quan điểm trái ngược với TAND cấp cao

Năm 2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra Quyết định giám đốc thẩm hủy Quyết định phúc thẩm và bản án sơ thẩm trong một vụ án dân sự tại tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, khi xét xử lại, các cấp tòa địa phương vẫn bảo lưu quan điểm, dù trái ngược với nhận định của Chánh án TAND cấp cao trước đó.

Tòa huyện thiếu khách quan, tòa tỉnh làm sai luật

Ngày 24/7/2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về "hợp đồng vay tài sản" giữa các đương sự: Nguyên đơn - bà Thái Thị Kim Lang (ngụ ấp Tây Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh); Bị đơn - ông Nguyễn Thanh Bạch (ngụ ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh); Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Huỳnh Thị Màu, ông Nguyễn Huỳnh Quốc Nhân (vợ và con ông Nguyễn Thanh Bạch) và ông Lê Văn Liêm (ngụ khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh).

Tại tòa, phía nguyên đơn trình bày: Vào ngày 17/3/2014, ông Nguyễn Thanh Bạch và ông Lê Văn Liêm đã vay bà Thái Thị Kim Lang số tiền 254.700.000 đồng để trả nợ Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL - phòng giao dịch Cao Lãnh II, do ông Bạch trực tiếp đứng tên vay. Sau khi thỏa thuận xong, bà Lang đã trực tiếp chuyển tiền từ tài khoản của bà vào tài khoản của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL để tất toán hợp đồng vay của ông Bạch.

TAND cấp cao nhận định: Việ tòa bác yêu cầu của bà Lang là không đúng với sự thật khách quan.

Nhưng do ông Bạch sau đó không trả lại tiền, bà Lang đã khởi kiện yêu cầu ông Bạch, bà Màu và ông Nhân liên đới trả số tiền 254.700.000 đồng và lãi suất từ 17/3/2014 đến 17/1/2015 (0,75%/tháng) là 19.000.000 đồng. Tổng tiền phải trả là 273.700.000 đồng.

Đáp lại, bị đơn - ông Nguyễn Thanh Bạch khẳng định không quen biết bà Lang. Ông Bạch đứng tên vay tiền ngân hàng để cho ông Liêm mượn lại, ông Liêm phải chịu trách nhiệm trả lãi và tất toán hợp đồng vay của ông Bạch với ngân hàng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Liêm cũng thừa nhận nội dung trình bày của ông Bạch, đồng thời cho rằng trước đây bà Lang có mượn ông 264.000.000 đồng. Sau đó, ông có yêu cầu bà Lang chuyển trả tiền vào tài khoản ông Bạch tại Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL để trả nợ cho ông 254.790.000 đồng, còn lại 9.300.000 đồng bà Lang trả tiền mặt. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu đòi tiền của bà Lang.

Tại bản án sơ thẩm số 30/2015/DS-ST ngày 8/4/2015, TAND huyện Cao Lãnh đã quyết định không chấp nhận yêu cầu đòi nợ 273.700.000 đồng của bà Thái Thị Kim Lang.

Sau khi bà Lang kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, ngày 10/12/2015, TAND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 26/2015/DS-PT, với nội dung: Đình chỉ xét xử phúc thẩm; Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Cao Lãnh có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định này.

Bà Lang tiếp tục làm đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét lại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp và bản án sơ thẩm của TAND huyện Cao Lãnh theo thủ tục giám đốc thẩm.

Và ngày 21/3/2017, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên để xét xử lại.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 24/7/2017, HĐXX căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì đủ cơ sở để xác định: Ngày 17/3/2014, bà Lang đã chuyển tiền vào tài khoản của ông Bạch số tiền 254.700.000 đồng tại Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL - phòng giao dịch Cao Lãnh II. Ông Liêm cho rằng số tiền này là do ông yêu cầu bà Lang chuyển để thanh toán khoản tiền bà Lang nợ ông, nhưng không xuất trình được bất cứ chứn cớ, tài liệu nào chững minh giữa bà Lang và ông có quan hệ vay nợ, và số tiền trên là bà Lang trả nợ cho ông.

Thực tế bà Lang đã chuyển tiền vào tài khoản của ông Bạch để ông Bạch tất toán nợ với ngân hàng. Bà Lang không thể tự biết số tài khoản của ông Bạch, cũng không chuyển tiền nhầm mà khẳng định chuyển tiền là do ông Bạch, ông Liêm hỏi vay để đáo hạn ngân hàng. Trình bày của bà Lang cộng với thực tế là bà đã chuyển tiền vào tài khoản của ông Bạch phù hợp với việc ông Bạch đã dùng số tiền do bà Lang chuyển để đáo hạn khoản vay ngân hàng.

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào trình bày của ông Liêm và ông Bạch để cho rằng ông Bạch không vay tiền của bà Lang, từ đó bác yêu cầu của bà Lang đòi ông Bạch phải trả nợ là không đúng với sự thật khách quan của vụ án.

Đối với tòa án cấp phúc thẩm, HĐXX giám đốc thẩm cho rằng: Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên xét xử vụ án, bà Lang dù được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt (ở xa không về kịp). Cùng này, tòa đã tống đạt Quyết định hoãn phiên tòa và Giấy triệu tập xét xử phúc thẩm cho cụ Nguyễn Thị Chiều (mẹ đẻ bà Lang), nhưng cụ Chiều không cam kết giao tận tay cho bà Lang. Như vậy, việc tống đạt giấy triệu tập nói trên là chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên, TAND cấp cao tại TP.HCM quyết định: Hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm; Giao hồ sơ cho TAND huyện Cao Lại xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Các cấp tòa địa phương tiếp tục bác yêu cầu, nguyên đơn kêu cứu

Ngày 17/4/2018, TAND huyện Cao Lãnh đã đưa vụ án ra xét sử sơ thẩm lại. Đại diện VKSND huyện Cao Lãnh sau khi nghe các bên trình bày đã đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu đòi tiền của bà Lang. Tuy nhiên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Trần Văn Đô lại quyết định: Không chấp nhận yêu cầu đòi tiền của nguyên đơn.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của các cấp tòa tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm ngược với tòa cấp cao.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Cao Lãnh đã bị Viện trưởng VKSND huyện Cao Lãnh kháng nghị. Tới ngày 18/10/2018, TAND tỉnh Đồng Tháp đã xét xử phúc thẩm vụ án. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Ngọc Vạng tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu đồi tiền của bà Lang; Bà Lang phải chịu 17.421.000 đồng án phí.

Bức xúc và hoảng loạn, bà Thái Thị Kim Lang đã gửi đơn đề nghị Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp theo thủ tục giám đốc thẩm để có thể lấy lại được số tiền đã chuyển khoản cho ông Bạch tại Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL - phòng giao dịch Cao Lãnh II.

Qua phân tích bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên, có thể thấy quan điểm của các thẩm phán Trần Văn Đô (TAND huyện Cao Lãnh) và Nguyễn Ngọc Vạng (TAND tỉnh Đồng Tháp) là trái ngược với Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM.

Bởi trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm ngày 21/3/2017 và Quyết định giám đốc thẩm ngày 24/7/2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã nêu rõ nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào trình bày của ông Liêm và ông Bạch để cho rằng ông Bạch không vay tiền của bà Lang, từ đó bác yêu cầu của bà Lang đòi ông Bạch phải trả nợ là không đúng với sự thật khách quan của vụ án!

Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tand-tinh-dong-thap-bat-ngo-co-quan-diem-trai-nguoc-voi-tand-cap-cao-post64901.html