TAND quận Tây Hồ làm trái quyết định của Tòa tối cao, một doanh nghiệp rơi vào cảnh... điêu đứng?

TAND quận Tây Hồ không những làm trái quy định tại Điều 58 và 59 BLTTDS mà còn làm trái chỉ đạo của Tòa tối cao.

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kêu cứu khẩn thiết của Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vụ việc kéo dài hơn chục năm không giải quyết xong là do phán quyết từ cấp sơ thẩm và phúc thẩm của TAND quận Tây Hồ và TAND TP Hà Nội không đúng với bản chất sự việc đã khiến cho Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan rơi vào cảnh điêu đứng.

Theo nội dung đơn kêu cứu: Vào ngày 9/2/2004, Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan (Công ty Hồng Lan) tham gia đấu giá trúng thầu tại UBND quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Công ty Hồng Lan được quyền mua lô D3B-1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ .

Đơn kêu cứu khẩn thiết của Công ty Hồng Lan gửi báo Pháp luật Việt Nam.

Đơn kêu cứu khẩn thiết của Công ty Hồng Lan gửi báo Pháp luật Việt Nam.

Sau khi hoàn thành thủ tục hợp lệ, Công ty Hồng Lan đã chuyển nhượng lại cho ông Trần Văn Thơm 2 ô đất số 32 và 33, tổng diện tích khuôn viên là 452m2 với điều kiện, ông Thơm phái tiếp tục tuân thủ các quy định, tại Quyết định số 676/QĐ-UB ngày 9/2/2004 của UBND TP Hà Nội và Thông báo số 08/TB/BQL ngày 12/2/2004 của Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây.

Theo đó, các quy định này yêu cầu trong thời hạn nhất định đến ngày 3/3/2004, ông Thơm phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hết số tiền cho Công ty Hồng Lan, để Công ty Hồng Lan thanh toán cho Dự án.

Tuy nhiên, hết thời hạn nêu trên, ông Thơm không thực hiện đúng các cam kết với Công ty Hồng Lan. Nên ông Thơm chưa hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng 2 ô đất nêu trên với Công ty Hồng Lan.

Tuy nhiên, ông Thơm lại tiến hành chuyển nhượng lại cho bà Hoàng Anh. Do chưa thực hiện được nghĩa vụ mua với Công ty Hồng Lan, ông Thơm cũng không thỏa thuận với Công ty Hồng Lan, nên ông Thơm không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng hai ô đất cho bà Hoàng Anh.

Hợp đồng kinh tế giữa Công ty Hồng Lan và ông Trần Văn Thơm.

Do việc vướng mắc thủ tục nên xảy ra việc tranh chấp, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Các bên đều không đảm bảo được quyền lợi, dẫn đến tranh chấp xảy ra vụ án.

Ngày 12/11/2008, bà Lưu Thị Hoàng Anh- ông Phạm Xuân Mừng (chồng bà Hoàng Anh) làm đơn khởi kiện, đề nghị TAND quận Tây Hồ xét xử vơi một yêu cầu, ông Trần Văn Thơm tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hai lô đất số 32 và 33 lô D3B-1 đường Lạc Long Quân và đường vành đai II.

Quá trình thụ lý giải quyết vụ án, TAND quận Tây Hồ đã đưa Công ty Hồng Lan vào tham gia tố tụng, với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Do quan điểm giải quyết vụ án có nhiều biểu hiện không khách quan , vi phạm nên vụ việc trải qua nhiều cấp xét xử nhưng vẫn chưa đến hồi kết.

Cụ thể, tại quyết định của bản án sơ thẩm (lần 1) số 01/2010/DSST ngày 19/01/2010 của TAND quận Tây Hồ tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 18/HĐKT ngày 23/01/2004 giữa Công ty Hồng Lan với ông Trần Văn Thơm và hợp đồng giữa ông Trần Văn Thơm và bà Lưu Thị Hoàng Anh ngày 06/01/2007 là giao dịch dân sự vô hiệu và hủy hai hợp đồng chuyển nhượng đất nói trên.

Buộc ông Trần Văn Thơm phải trả lại cho bà Lưu Thị Hoàng Anh, ông Phạm Xuân Mừng số tiền hơn 761 triệu đồng.

Bản án của TAND quận Tây Hồ tuyên không đúng với bản chất sự việc.

Buộc Công ty Hồng Lan có trách nhiệm thanh toán trả cho bà Lưu Thị Hoàng Anh và ông Phạm Xuân Mừng số tiền hơn 44 tỷ đồng.

Không đồng ý với Quyết định của TAND quận Tây Hồ, Công ty Hồng Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tiếp đến, ngày 22.10/2010, TAND TP Hà Nội thụ lý và mở phiên toàn xét xử theo thủ tục phúc thẩm (lần 1). Tại bản án phúc thẩm số 187/2010/DSPT, TAND TP Hà Nội quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm 01/2010/DSST của TAND quận Tây Hồ, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Tây Hồ xét xử sơ thẩm lại.

Sau khi có phán quyết của TAND TP Hà Nội, ngày 23/9/2011, TAND quận Tây Hồ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm (lần 2) và tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 18 giữa Công ty Hồng Lan và ông Trần Văn Thơm và hợp đồng giữa ông Trần Văn Thơm với bà Lưu Thị Hoàng Anh là giao dịch dân sự vô hiệu, tuyên hủy hai hợp đồng chuyển nhượng đất nói trên.

Buộc Công ty Hồng Lan có trách nhiệm thanh toán trả cho bà Lưu Thị Hoàng Anh và ông Phạm Xuân Mừng số tiền đã nhận là hơn 12 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại do lỗi làm hợp đồng là hơn 121 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Thơm có trách nhiệm thanh toán số trả vợ chồng bà Lưu Thị Hoàng Anh , ông Phạm Xuân Mừng số tiền đã nhận là hơn 761 triệu đồng và tiền bồi thường thiệt hại do lỗi làm hợp đồng vô hiệu là hơn 7 tỷ đồng.

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội.

Cấm Công ty Hồng Lan chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp là hai lô đất số 32 và 33 khu D3B-1 trong thời gian giải quyết tranh chấp và kê biên toàn bộ diện tích hai lô đất trên để đảm bảo thi hành quyết định bản án của Tòa án.

Ngày 6/10/2011, Công ty Hồng Lan có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 04/2011/ĐST ngày 23/9/2011 của TAND quận Tây Hồ.

Tiếp đến, ngày 30/12/2011, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm (lần 2) quyết định không chấp nhận kháng cáo của Công ty Hồng Lan, giữ nguyên bản án số 04/2011/DSST của TAND quận Tây Hồ.

Công ty Hồng Lan đã có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị bản án nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm.

Đến ngày 24/5/2012, Chánh án TANDTC ra Quyết định kháng nghị số 173/2012/KN-DS đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 257/2011/DS-PT ngày 30/12/2011 của TAND TP Hà Nội.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 538/2012/DS-GĐT, Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa dân sự, TAND tối cao quyết định: Chấp nhận kháng nghị số 173 nêu trên của Chánh an TANDTC nhưng giữ nguyên hiệu lực phần quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2011/DSST ngày 23/9/2011 của TAND quận Tây Hồ và phần quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 275/2011/DSPT ngày 30/12/2011 của TAND TP Hà Nội về việc cấm Công ty Hồng Lan dịch chuyển quyền về tài sản đối với 2 ô đất đang có tranh chấp và kê biên toàn bộ diện tích 2 ô đất nêu trên để đảm bảo thi hành quyết định bản án của Tòa án.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án dân sự- TANDTC, TAND quận Tây Hồ đã tiến hành thụ lý giải quyết lại theo thủ tục xét xử từ giai đoạn sơ thẩm.

Quyết định Giám đốc thẩm của TANDTC.

Tuy nhiên, TAND quận Tây Hồ đã cố tình không thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu của Quyết định giám đốc thẩm. Tại bản án sơ thẩm lần 2, TAND quận Tây Hồ vẫn tiếp tục vi phạm rất nhiều các quy định của BLTTDS. Hậu quả không chỉ xâm hại nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của Công ty Hồng Lan, mà còn gây hệ lụy làm cho vụ kiện kéo dài đã nhiều năm không kết thúc.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Công ty Hồng Lan cho biết: Bản án sơ thẩm đã không thực hiện đầy đủ quyết định của Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án dân sự TANDTC.

Tại Quyết định này đã chỉ rõ: Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm phải xác định rõ các mối quan hệ tranh chấp trong vụ án như: Mối quan hệ giữa Công ty Hồng Lan và ông Trần Văn Thơm; mối quan hệ giữa ông Trần Văn Thơm và và Lưu Thị Hoàng Anh.

Tuy nhiên, án sơ thẩm đã không xem xét tính độc lập của từng mối quan hệ tranh chấp mà cố tình sử dụng văn bản “cam kết thỏa thuận” ngày 7/2/2014 giữa ông Thơm và vợ chồng bà Hoàng Anh có nội dung: Ông Thơm chuyển giao quyền thụ hưởng lợi ích khởi kiện đối với Công ty Hồng Lan, cho vợ chồng bà Hoàng Anh được thụ hưởng.

Bản án sơ thẩm căn cứ Điều 56-BLTTDS xác định vợ chồng bà Hoàng Anh là nguyên đơn. Nhưng bị đơn là ông Thơm, người liên quan là Công ty Hoàng Lan. Nghĩa là án sơ thẩm đã làm mập mờ khái niệm: Vừa cho rằng ông Thơm đã chuyển giao quyền thụ hưởng lợi ích cho bà Hoàng Anh nhằm đưa ông Thơm ra khỏi vụ kiện. Nhưng lại “vờ” đặt ông Thơm vào vị trí bị đơn.

Tuy đặt Công ty Hồng Lan là người liên quan, nhưng án sơ thẩm lại không xem xét mối quan hệ độc lập giữa ông Trần Văn Thơm và Công ty Hồng Lan, mà án sơ thẩm lại chuyển thẳng lỗi, trong mối quan hệ giữa ông Thơm với bà Hoàng Anh sang cho Công ty Hồng Lan.

Việc Tòa án chấp nhận thỏa thuận chuyển giao quyền thụ hưởng khởi kiện như vậy không những là trái quy định của Điều 58 và 59 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi bổ sung 2011) mà còn đương nhiên hợp pháp hóa cho một thỏa thuận trái pháp luật giữa bà Hoàng Anh và ông Thơm.

TAND quận Tây Hồ xét xử vụ án trái với BLTTDS và Quyết định của TANDTC.

Đây là một thỏa thuận hợp tác để buộc Công ty Hồng Lan phải chịu một hậu quả do hành vi trái pháp luật của ông Thơm và vợ chồng bà Hoàng Anh tạo ra. Sau đó quy kết nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng cho Công ty Hồng Lan là hoàn toàn không phù hợp với quy định pháp luật.

Chính vì vậy mà Công ty Hồng Lan đề nghị tại phiên xét xử sơ thẩm tới đây, TAND quận Tây Hồ cần áp dụng điều 186, điểm a khoản 1 điều 192; điểm g khoản 1 điều 217 BLTTDS 2015 của Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số 01/2018/KDTMST ngày 18/01/2018 “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với số 32 và 33 tại lô D3B-1 với tổng diện tích khuôn viên 425m2 khu Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Lê Hoàng

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/tand-quan-tay-ho-lam-trai-quyet-dinh-cua-toa-toi-cao-mot-doanh-nghiep-roi-vao-canh-dieu-dung-d103521.html